Hoa Kỳ lên án mối đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông

Hoa Kỳ lên án mối đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông

  • 5 tháng 11 2019
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Robert O'Brien tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Hoa Kỳ.
Image captionCố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Robert O’Brien tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Hoa Kỳ.

Đại diện Hoa Kỳ hôm 4/11 phát biểu tại tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ ở Bangkok (Thái Lan) rằng, Trung Quốc đã tìm cách “bắt nạt” các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.

Theo đó, Trung Quốc bị cáo buộc rằng đã quân sự hóa vùng biển giàu tài nguyên này và tìm cách kiểm soát tuyến thương mại toàn cầu qua đây.

Theo tờ Guardian, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Robert O’Brien, cho biết thêm là các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với hầu hết khu vực Biển Đông – vốn đã bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ – là bất hợp pháp và là một hình thức mới trên thực tế của chủ nghĩa đế quốc.

Ông O’Brien, trong một bài phát biểu nói rằng, Bắc Kinh đã đe dọa để cố gắng ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn việc tiếp cận trữ lượng dầu khí trị giá 2, 5 ngàn tỉ đôla.

Ông O’Brien nhân dịp này cũng chuyển tới các nước thư của Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump, khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, hoan nghênh ASEAN triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông cũng chuyển lời mời của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mời các lãnh đạo ASEAN đến Washington tham dự một cuộc họp đặc biệt vào một thời điểm thuận tiện vào quí đầu năm 2020.

RCEP đạt thỏa thuận nhưng không có Ấn Độ

Cũng trong ngày hôm qua, tại Thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Thái Lan, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) do Trung Quốc hậu thuẫn đã đạt đến thỏa thuận sau 6 năm đàm phán.

15 quốc gia gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cùng 5 quốc gia khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, trong tuyên bố hôm 4/11, khẳng định rằng, họ đã thống nhất với các điều khoản của RCEP – hiệp ước thương mại lớn nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã quyết định không tham gia Hiệp định này.

Lãnh đạo các quốc gia tham gia RCEP tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 vừa diễn ra ở Bangkok.
Image captionLãnh đạo các quốc gia tham gia RCEP tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 vừa diễn ra ở Bangkok.

HReuters đưa tin rằng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông không thể thỏa hiệp lợi ích của nông dân và công nhân tại nhà bằng cách tham gia hiệp ước thương mại khu vực do Trung Quốc lãnh đạo sau khi không giải quyết được mối lo ngại về tiếp cận thị trường của Delhi.

Việc ban đầu Ấn Độ có ý định tham gia Hiệp định này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ bên trong nội bộ đảng Hindu bảo thủ của Thủ tướng Modi – vốn được sự ủng hộ của những cơ sở kinh doanh nhỏ, cũng như từ đảng đối lập chính. Đảng đối lập khẳng định rằng, nếu Ấn Độ tham gia hiệp định, chẳng khác gì ném thị trường khổng lồ của Ấn Độ cho hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

“Tôi đã thử định lượng khả năng RCEP sẽ tác động như thế nào đến lợi ích của người dân Ấn Độ, và tôi không nhận được câu trả lời tích cực,” ông Modi phát biểu tại Hội nghị cấp cao về RCEP vừa tổ chức ở Thái Lan.

Ấn Độ lo lắng rằng, yêu cầu phải loại bỏ dần thuế quan khi tham gia RCEP sẽ mở rộng cửa thị trường nước này cho hàng hóa và nông sản nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, cũng như hàng hóa nhập từ Úc và New Zealand. Điều này sẽ gây tổn hại cho các nhà sản xuất địa phương.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán thương mại và các hiệp hội kinh doanh ở Ấn Độ ủng hộ RCEP cho biết, khi tham gia RCEP, ngành công nghiệp Ấn Độ sẽ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các mặt hàng cao cấp như điện tử và kỹ thuật.

Điều đó cũng như khả năng tiếp cận nhiều hơn vào thị trường nước ngoài sẽ giúp bù đắp sự suy thoái kinh tế của Ấn Độ, họ lập luận.

Ông Vikram Kirloskar, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), một tổ chức kinh doanh hàng đầu ở nước này, cho biết, tích hợp tốt vào các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ mang lại lợi ích lâu dài của ngành công nghiệp ở Ấn Độ.

Liên đoàn này tường trình rằng, các hiệp định thương mại có lợi có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mối quan tâm này.

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu năm nay và xuất khẩu của nước này đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như việc các quốc gia khác ngày càng tăng cường các biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Tuy nhiên, Thủ tướng Modi cho biết, không có sự bảo đảm nào cho khả năng tiếp cận thị trường và các rào cản phi thương mại khi tham gia RCEP.

Vấn đề gai góc nhất với Ấn Độ là với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này. Hiện Ấn Độ thâm hụt thương mại 53 tỷ đô la với Trung Quốc trong năm 2018/19.

Bài Khác