Hình Ảnh Người Lính Chiến Việt Nam Trong Thi Ca

Chuly sưu tầm

Hình Ảnh Người Lính Chiến Việt Nam Trong Thi Ca.
Written by Nguyên Trần

Viết để tri ân và:
– bày tỏ lòng tiếc thương những anh hùng Quân Dân Cán Chính đã tuẩn tiết sau khi miền Nam thất thủ.
– tưởng niệm những người lính chiến và các Dân Cán Chính VNCH hào hùng đã bỏ mình vì quê hương dân tộc.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lại chinh chiến kỷ nhân hồi
(Lương Châu Từ-Vương Hàn)

(Say khướt chiến trường xin chớ nhạo
Xưa nay chinh chiến mấy ai về)

– thương cảm những người thương phế binh VNCH đã hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam mà hiện nay phải sống một cách tủi nhục đọa đày thiếu thốn dưới chế độ tàn ác vô lương của quân thù.
– chia xẻ sự hy sinh lớn lao của những người lính chiến VNCH đã bỏ lại sau lưng những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân, những người thân yêu để dấn thân vào vòng lửa đạn ngăn chận giặc thù dày xéo quê hương.

Chúng tôi, những người Việt Quốc Gia may mắn còn sống sót sau cuộc chiến vẫn còn mang món nợ rất lớn với quý vị và các bạn, một món nợ chưa bao giờ đền trả dù trong muôn một.

Và cũng viết tặng :
– Cựu Trung Tá Nguyễn Minh Châu (nhạc sĩ nhà thơ Minh Châu): Tiểu Đoàn 3 TQLC (Sói Biển): cựu quận trưởng quận Dĩ An – Biên Hòa
– Cựu Thiếu tá Đặng Kim Thu (Biệt Động Quân): cựu quận trưởng quận Chợ Gạo – Định Tường
– Cựu Đại Úy Hồ Ngọc Ẩn (nhà văn Tường Lam) : cựu Đại Đội Trưởng -Tiểu Khu Vĩnh Bình
– Cựu Trung Úy Hồ Đinh (ký giả Mường Giang): Sư Đoàn 18 BB

Là 4 người bạn lính mà tôi luôn quý mến.

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
(Chinh phụ ngâm khúc-Đoàn thị Điểm)

Từ ngàn xưa, người lính đã biểu tượng cho một cuộc sống hiểm nguy khổ nhọc, phải đêm ngày dãi nắng dầm sương, xông pha nơi lằn tên mủi đạn để gìn giữ an ninh và bảo vệ giang sơn bờ cõi. Trong tinh thần tri ơn người lính, người viết xin ghi lại những vần thơ, lời nhạc viết về lính trải qua ba thời kỳ theo chiều dài lịch sử dân tộc: Thời xưa, Thời chống Pháp và Thời Cộng Hòa.

1) Người lính thời xa xưa:
Lúc bấy giờ, kỹ nghệ máy móc chưa phát triển, phương tiện chuyển vận còn phôi thai thì đời sống người lính phải vất vả trăm chiều. Sống dưới chế độ phong kiến, người dân mà còn phải lận đận lao đao với bao nhiêu sưu dịch thuế khóa thì đời lính càng khốn đốn hơn nhiều. Cứ nhìn hình ảnh “ Lính thú đời xưa” thì biết ngay:

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng
(Trấn thủ lưu đồn)

Ở cái thời chưa có phương tiện liên lạc thông tin bưu điện, internet… mà người lính phải đóng đồn trên mạn ngược nên tin tức biền biệt lại không có nhạn đưa thư thì kể như ngàn đời xa nhau, thế cho nên người lính đã không ngăn được giòng lệ khi chia tay:

Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón đấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng đánh trống ngũ liên
Chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa
(Lính thú đời xưa)

Người lính phải rày đây mai đó hy sinh mạng sống để gìn giữ an bình cho đất nước:

Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn, quan với quân lên đường
(Hòn Vọng Phu1- Lê Thương)

Đời lính phải đánh Nam dẹp Bắc, ngoài chống ngoại xâm, trong ngăn giặc rợ thì ra đi khó hẹn được ngày về:

Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn
(Chinh phụ ngâm khúc)

Hoặc là:

Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về
( Hòn Vọng Phu 1- Lê Thương))

Thản hoặc có may mắn trở về thì chỉ là:

Phận trai già ruổi chiến trường

Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về
( Chinh phụ ngâm khúc)

Nhưng những người vợ lính tiết hạnh chờ chồng dù rằng:

Thôi đừng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
những người mang mệnh biệt ly
(Hòn Vọng Phu 2-Ai xuôi vạn lý-Lê Thương)

Đã có biết bao người đàn bà lặn lội gieo neo nuôi con chờ chồng đang chinh chiến miền xa, chờ đợi mõi mòn rồi hoá đá như Hòn Vọng Phu:

Nơi phía Nam nơi núi mờ
Ai bế con mãi đứng chờ
(Hòn Vọng Phu 3- Lê Thương)

Cuộc đời người lính thú thời quân chủ phong kiến cơ cực bần hàn rồi tới lúc quân Pháp xâm chiếm thì họ lại ở vào thế gươm đao chống lại súng ống nên càng dễ chết hơn.

2) Người lính thời kháng Pháp:
Năm Đinh Hợi 1887, Đồng Khánh niên hiệu thứ hai, sau khi chiếm Việt Nam, Pháp chính thức chỉ định ông De Constant làm Tổng Đốc Toàn Quyền Đông Dương thì một số lính thú đã đầu quân theo những anh hùng yêu nước chống Pháp (xin nhắc lại là yêu nước chớ không phải yêu xã hội chủ nghĩa đâu nhé) như: Mai Xuân Thưởng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Trung Trực, Thiên Hộ Dương, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, Nguyễn Tường Tam… kéo theo nhiều thanh niên Việt Nam cùng nhất tề đứng lên chống lại thực dân Pháp để dành độc lập cho quê hương xứ sở. Đa số các văn nghệ sỹ cũng hăng hái tham gia phong trào tạo nên lúc ban đầu, khí thế bừng bừng tình yêu nước. Điển hình nhất là bài hát “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước đã giục giả bao thanh niên yêu nước lên đường đấu tranh chống Pháp:

Nầy thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi đi đi mở đường khai lối

Bài hát nầy sau đổi lời lại thành bài quốc ca Việt Nam Cộng Hòa.
Bài “Lên đàng” cũng của Lưu Hữu Phước cũng được phổ biến sâu rộng trong giới sinh viên học sinh thời bấy giờ

Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đường kiếm nguồn tươi sáng
Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông từ đây ra sức anh tài

Ngoài ra Lưu Hữu Phước cũng sáng tác bài “ Khúc khải hoàn” rất kích động niềm tự hào dân tộc:

Dân ta hằng anh dũng, dân ta vẫn oai hùng, dân ta dù nguy biến không nao …

Tôi còn nhớ Sài Gòn vào đầu thập niên 50 có nhật báo “Dân Ta” của ký giả Nguyễn Vỹ đã chạy logo (giống như en tête) nguyên câu hát trên ngay đầu tựa báo .
Tiếp theo đó, Phạm Duy với bài “Xuất quân” thật hùng tráng như réo gọi mọi người ào ạt xung phong:

Ngày bao hùng binh tiến lên! Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành. Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành

Rồi cũng Phạm Duy tiếp nối theo tiếng gọi núi sông với những lời hát đằng đằng khí thế và âm điệu bừng bừng dồn dập:

Một mùa Thu năm xưa, cách mạng tiến ra nước Việt
Bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng
Đoàn người trai ra đi miệng hô lớn
Quyết chiến! Quyết chiến! Chân oai nghiêm đều tiến
———————————————————–
Đường ta ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây, ruộng ta ta cứ cày đợi ngày
Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia, cười vang ta hát câu tự do
(Nhạc tuổi xanh)

Thừa thắng xông lên, Phạm Duy viết một ca khúc mà lời ca sắt máu giống như chiến sĩ cục R quá:

Một đoàn người trai hiên ngang, mang trên vai nợ máu xương, vui ra đi không buồn tiếc thương————————————————————-
Ngày nào phơi xác nhớ không? Thây rơi mênh mông trên khắp phố phường
Thân ôm tường, đầu gục đầu. Ai trên đường người nhuộm máu
Thây rơi trong đêm khuya lấp chiến hào——
( Khởi hành)

Văn Cao cũng góp phần vào dòng nhạc đấu tranh chống Pháp mà sau nầy trở thành bài quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Áo quần bán trước cửa nhà bán sau):

Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa
(Tiến quân ca)

Bài hát nầy, tôi nhớ thời đó có người nhại lại là:

Đoàn quân Việt Minh đi trong rừng núi khuất
Thấy xe tăng thiết giáp quân Tây tràn lan
Cờ tam sắc phất phới đi đàng trước
Súng cà nông mi trây dết đi đàng sau

Văn Cao cũng ca ngợi những những người lính anh hùng vì nước quên mình:

Bao kiếm mã lên đường, lạnh lùng vung gươm ra sa trường
Quân xung phong! Nước non đang chờ mong tay ngươi
Hồn sông núi khí thiêng muôn đời
(Chiến sĩ Việt Nam)

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ cũng viết một bản nhạc đấu tranh nhưng âm điệu nhẹ nhàng réo rắt:

Trong đêm thâu quanh ánh lửa hồng dưới ngàn cây xanh lá
Anh em ta quây quần chốn nầy cất cao muôn lời ca
Đêm hôm nay ta nắm tay nhau ta hát cho quên sầu
Mai ra đi không chút vấn vương, chiến trường kia tranh đấu
Và tài trai chí bốn phương một lòng quyết lên đường
Lửa bùng lên tí tách reo như gợi mối căm hờn
(Quanh lửa hồng)

Riêng về dòng thơ thời kháng Pháp thì có nhiều bật thức giả chí sĩ anh hùng chủ trương dành độc lập qua đường lối ôn hòa đứng đắn (giống như thánh Gandhi bên Ấn Độ), canh tân xứ sở với phong trào Duy Tân mà tiêu biểu nhất là hai cụ Phan Bội Châu và Phan châu Trinh.
Cụ Phan Bội Châu hô hào đồng bào dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho đất nước không màn nguy nan:

Thân nọ hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu gian hiểm sá gì đâu
(Tự Vịnh)

Cụ cũng vận động thanh niên đứng lên đấu tranh:

Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Soi máu nóng để rửa vết dơ nô lệ
Mới thế nầy là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: nhật nhật tân, hựu nhật tân
(Chúc Tết thanh niên)

Cụ Phan Bội Châu còn hung đúc tinh thần kẻ sĩ bằng cách bảo rằng vận nước lâm nguy là một thử thách đấng anh hùng:

Giả sử tiền đồ tận di thản
Anh hùng hào kiệt giã dụng thường
Dịch:
Nếu phải đường đời bằng phẳng hết
Anh hùng hào kiệt có hơn ai

Cụ Phan Châu Trinh cũng khích động lòng yêu nước của những người trai nướcViệt sớm ra tay cứu vớt non sông:

Làm trai quyết gánh gánh gian nan
Dám nại xa xôi bỏ giữa đàng
(Cảm tác)

Cụ còn kêu gọi mọi người yêu nước nhất là giới sĩ tử hãy gát bút lên đường hi sinh cho quê hương:

Cuộc đời ngoảnh lại vắng không
Giang sơn nào khóc anh hùng được đâu
Cường quyền dậm đạp mái đầu
Văn chương tám vế say câu mơ màng
(Chí thành thông thánh)

Nhà thơ Quang Dũng cũng đứng lên đáp lời sông núi để vùng lên chống ngoại xâm qua lời thơ đầy cảm xúc rung động:

Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
(Tây Tiến)

Nhà thơ sau đó vì không chịu yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa nên bị trù giập và chết trong thảm thương đói khổ.
Hữu Loan tác giả bài thơ bất tử “ Màu tím hoa sim”thì cũng đã hy sinh tình yêu của cô vợ trẻ mới cưới Lê Đỗ thị Ninh để lên đường thi hành nhiệm vụ người trai thời ly loạn:

Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi

Nhưng định mệnh tàn nhẫn đã giết người vợ hậu phương trên dòng sông oan nghiệt:

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương

Và chính bài thơ nầy mà Cộng Sản đã dìm cả thi tài nhà thơ Hữu Loan xuống bờ vực thẳm vì “đầy tính tiểu tư sản phản động”
Cuộc chiến chống thực dân Pháp đang trên đà bừng bừng khí thế với hàng hàng lớp lớp người con yêu của mẹ Việt Nam noi gương tiền nhân liều thân đấu tranh để dành độc lập cho quê hương thì năm 1945, Việt Minh đã lộ bộ mặt thật là tay sai Cộng Sản Quốc Tế, đã hợp tác với kẻ thù thực dân để tiêu diệt những thành phần quốc gia yêu nước chân chính, đưa cuộc chiến chống Pháp đến khúc quanh mới và đưa đất nước Việt Nam vào quỹ đạo Cộng Sản với bản tuyên ngôn độc lập dõm mà Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945. Những chiến sĩ quốc gia bây giờ phải ở trận tuyến vừa đối đầu với Việt Minh vừa kháng Pháp cho tới ngày 20 tháng 7 năm 1954 hiệp định Genève ra đời, Pháp rút khỏi Việt Nam và đất nước chính thức bị chia đôi ngay vĩ tuyến 17 với lằn ranh là con sông Bến Hải: miền Bắc theo chế độ Cộng Sản tức là Việt Cộng và miền Nam theo chế độ tự do, mở màn cho cuộc chiến giữa Tự Do và Cộng Sản hay gọi ngắn gọn là cuộc chiến Quốc Cộng. Và cũng từ đó cuộc di cư vĩ đại của hơn 1 triệu đồng bào miền Bắc vào Nam tìm tự do cùng góp phần vào công cuộc đấu tranh chung dưới lá cờ tự do nhân bản.

3) Người lính Cộng Hòa:
Có thể nói cuộc chiến Quốc Cộng 1954-1975 là cả một thiên anh hùng ca đầy vinh quang và xúc động của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Đã có không biết bao văn thơ nhạc đề cao cuộc chiến đấu anh dũng và nhân bản cũng như những cuộc tình lãng mạn thơ mộng của người lính. Đó cũng là thời kỳ những đóa hoa thơ nhạc chinh chiến nở rộ ca ngợi vinh danh những người trai thế hệ đã bỏ lại đàng sau những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân để dấn thân vào vòng lửa đạn bảo vệ quê hương thân yêu.
Biết bao “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” đã phải từ giã mối tình thơ mộng học trò, từ giã mái trường thân yêu để lên đường chinh chiến:

Từ đó tình yêu cũng đổi ngôi
Con chim thời nhỏ đã tung trời
Ta rời xóm học vào sương gió
Chuyện cũ tình xưa cũng pha phôi
(Nhặt cỏ sân trường-Mường Giang)

Đời lính ngoài việc số mệnh ngàn cân treo sợi tóc còn rất nhiều gian khổ phong sương, tuy vậy người chiến binh vẫn phấn đấu vượt qua hết để giữ yên tay súng:

Bốn chuyến di hành ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây ngắm bóng mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
(Chiến tranh và tôi-Nguyễn Bắc Sơn)

Để rồi một ngày, người lính hát khúc hoan ca trở về thành phố với chiến thắng vinh quang cho người dân hậu phương và bao thiếu nữ xuân thì:

Chiến y làm hồng má hây hây
Mắt đa tình gợn suối tóc bay bay
(Chiến y làm đẹp phố phường-Lệ Khánh. Em là gái trời bắt xấu)

Có biết bao người lính Cộng Hòa chúng ta đã ra đi mà không hẹn ngày trở lại vì:

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
(Lương Châu Từ – Vương Hàn)
(Say khướt chiến trường xin chớ nhạo
Xưa nay chinh chiến mấy ai về)

Mà nếu chàng có về thì đôi khi là:

Anh trở về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
(Kỷ vật cho em – Linh Phương)

hoặc vào một buổi hoàng hôn ảm đạm âm u:

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vả chít khăn sô vĩnh biệt
(Kỷ vật cho em – Linh Phương)

Để cho người góa phụ trẻ còn đang còn đang trong tuổi mơ yêu phải:

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Ngày mai đi nhận xác anh
Cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ
(Tưởng như còn người yêu- Lê thị Ý)

Và người góa phụ trẻ đau khổ nhìn chồng được vinh thăng:

Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
(Tưởng như còn người yêu-Lê thị Ý)

Chiến tranh là mất mác chia ly cho bao nhiêu dân lành bất hạnh, cho nên ngày tàn cuộc chiến là hình ảnh đau thương tang tóc:

Quê hương khói lửa cay nồng
Quê hương sau trận chiến đồng cỏ xanh
(Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa- Lê thị Ý)

Cuộc chiến phi nhân do Việt Cộng phát động theo lệnh quan thầy Nga Hoa đã kết thúc trong bi thảm nhục nhằn của miền Nam theo thế cờ quốc tế. Đó đây vang dội những lời kêu than bi thiết:

Mẹ ơi con mẹ chưa già
Giữ quê quê mất, dựng nhà nhà tan
(Hà Huyền Chi)

Và làm còm cỏi héo hắt thêm cho những bà mẹ ngóng tin con:

Chiến trận nghe tàn đã bảy măm
Trai đi chiến trận vẫn mù tăm
Mẹ già lảng đảng ngoài sân lạnh
Không biết tìm ai để hỏi thăm
(Viên Linh)

Riêng về nhạc lính thì có thể nói là không biết cơ man nào kể cho hết, chắc là hơn phân nửa dòng nhạc từ năm 1954 tới 1975 đã viết cho lính: gương hy sinh kiêu hùng, mối tình đẹp, đời sống gian khổ phiêu bạt…
Đời lính bắt đầu từ những thông báo của làng nước kêu gọi thanh niên từ khắp mọi nơi đứng lên đáp lời sông núi:

Vài hàng gởi anh trìu mến
Vừa rồi làng có truyền tin
Nói rằng nước non đang mong
Đi quân dịch là thương nòi giống
(Bức tâm thư- Lam Phương)

Bài hát nầy nổi tiếng một thời và có người rắn mắc đả sửa lời lại là:
Vài hàng gởi anh trìu mến
Vừa rồi em tắt cái đường kinh
Mấy chàng họ Sở mà nghe câu nầy chắc phải áp dụng chước thứ 36 của trong tam thập lục kế của Tôn Tử là “tẩu vi thượng kế”, nói nôm na là “quất ngựa truy phong”
Chàng trai đã giã từ người yêu, xóm làng để tòng chinh diệt giặc:

Tôi tiễn anh lên đường trời hôm nay mưa nhiều lắm
Mưa thắm ướt vai gầy, mưa giá buốt con tim
Mình cầm tay nhau, chưa nói hết một câu
Thôi đừng buồn anh nhé! Tiếng còi đã ngân dài
(Một người đi – Mai Châu)

Ra đi nhưng chàng trai vẫn không quên nhắn nhủ bạn bè thân tình còn ở lại là chàng chỉ về khi quê hương sạch bóng quân thù:

Rồi đây mai nầy ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! Hãy nói khoác chiến y rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
Giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
Có về là khi nước non vui bình yên
(Biệt kinh kỳ-Minh Kỳ)

Vào quân trường với phút đầu bỡ ngỡ nhưng sau đó chàng trai đã quen đi với nếp sống “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Sau thời gian huấn nhục, chàng tân binh mong chờ người đẹp đến thăm:

Hôm nay ngày chúa nhật, vườn Tao Ngộ, em đến thăm anh
Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi
Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi
(Vườn Tao Ngộ- Nhật Hà)

Mặc cho nhiều gian khổ quân trường, những chàng trai sẽ đi về nơi gió cát vẫn hiên ngang tự hào nối gót cha ông bảo vệ giang sơn:

Ta là đoàn sinh viên xếp bút nghiên
Đi theo tiếng gọi của non sông
Ngày ta đi lệ thắm khăn hồng
Ngày ta đi là mẹ chờ mong
(Sinh viên Thủ Đức hành khúc)

Sau khi tốt nghiệp, những người lính hào hùng tung đi khắp bốn phương trời.
Người thì vổ cánh chim bằng để bảo vệ vùng trời quê hương:

Ta là đàn chim bay trên cao xanh
Khi nhìn qua khỏi nhưng kinh thành tan
Đôi cánh tung hoành vuợt trên mây xanh
Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng
(Không Quân Hành Khúc)

Có chàng thì theo những đoàn tàu chiến thỏa mộng hải hồ giữ yên vùng sông biển:

Thân phơi trên Nam băng dương
Nước xanh hồn Thái Bình Dương
Ra khơi sóng vang dạt dào
Mênh mông sóng va thân tàu
(Hải Quân Việt Nam)

Nhưng đa số đều in gót chân trên khắp nẽo đường quê hương để lùng diệt giặc:

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh tung sương lướt gió reo vang
(Lục Quân Hành Khúc)

Những chàng trai lính tuy rất anh hùng dũng cảm trên chiến trường nhưng trên tình trường, chàng cũng lãng mạn đa tình hào hoa một mực:

Anh là lính đa tình
Tình non sông rất nặng
Tình hải hồ ôm mộng
Tình vũ trụ ngát xanh
Và mối tình rất êm đềm
Là tình riêng trong lòng anh yêu em
Có lúc muốn lấy hoa rừng
Anh gửi về em thêu áo
Và ngàn vì sao trên trời
Kết thành một chuỗi em đeo
Dù rằng đời lính không giàu
Mà chắc không nghèo tình yêu
(Lính đa tình – Y Vân)

Và còn gì lãng mạn hơn là:

Nếu em không là người yêu của lính
Ai sẽ đón em chủ nhật trời xinh
Em sẽ nhớ ai đêm sương lạnh lùng
Và giữa chốn muôn trùng ai viết tên em lên tay súng
(Người yêu của lính – Trần Thiện Thanh)

Cũng vô cùng tình tứ:

Nếu vắng anh ai dìu em đi chơi trong chiều lộng gió
Nếu vắng anh ai đợi chờ em khi sương mờ nẻo phố
Nếu vắng anh ai đón em khi tan trường về
(Nếu vắng anh-Anh Bằng)

Và cũng vì cái tính đào hoa hào hùng nên lính được nhiều người đẹp yêu mến:

Dù cho sông kia quên bến cũ
Bóng chinh nhân không phai mờ cõi lòng
Dù cho non cao hay suối vắng
Tim em theo cùng
(Mơ người lính chiến – Mai Sơn)

Và mơ ước lứa đôi:

Chiến sĩ của lòng em đắm đuối ước mơ
Ở chiến trường xa dãi nắng dầm mưa
Nhịp bước oai hùng chàng tiến trong tim em
Trong khi vang ca say theo chiến trường
(Chiến sĩ của lòng em-Trịnh văn Ngân)

Đời lính cũng có những vui buồn dễ thương nhưng cũng đau hơn hoạn là sau thời gian dài vắng nhà nên đã xin phép cuối tuần về gặp người yêu hay vợ trẻ đang phơi phới xuân tình. Chàng đã lau chùi súng ống, nạp đạn sẵn sàng để chuẩn bị kích hỏa thì mồ tổ thằng Việt Cộng mò về quấy phá xóm làng làm vị chỉ huy trưởng ra … lệnh cấm trại 100%. Xin các bạn nghĩ xem trên đời có cái gì đau khổ hơn không? Thà chết sướng hơn. Và bọn Việt Cộng thật là tội ác ngút trời:

Một trăm em ơi ! Chiều nay một trăm phần trăm
Một trăm em ơi ! Chiều nay một trăm phần trăm
Người yêu anh ơi ! Chiều nay lại cấm trại rồi
Nào đâu nào biết tâm tư đời lính
Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau
Với em tâm tình
(100% – Vũ Chương)

Có những cuộc hành quân kéo dài cả hai, ba tuần lễ thế nên trong khi chờ xe đưa về hậu cứ nghỉ ngơi, người lính đã vội viết thư cho người yêu:

Sau ngày hành quân, anh về vui trong chiến thắng
Súng còn mang vai đã viết thư cho người yêu
Em ơi ! Thư vắn hơn tình
Xin em đừng buồn, xin em đừng hờn
Chớ bảo không thèm, không đọc thư anh
(Sau ngày hành quân-Lê Dinh)

Người lính chiến đã ra đi biền biệt thân, dãi dầu sương gió nơi tiền đồn heo hút để người em hậu phương mòn mỏi nhớ thương đợi chờ cho đến lúc nàng vì tình yêu người trai thời chinh chiến đã lặn lội vào nơi địa đầu giới tuyến để thăm chàng:

Em đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài trời mưa lê thê qua ngàn chốn sơn khê
(Mấy dặm sơn khê- Nguyễn văn Đông)

Cũng có lúc ngồi gác giặc mà người lính mơ ước ngày về với kết nối duyên thề:

Chiến tuyến người trai ôm súng ước mơ
Rủ chinh y trọn ước với câu thề
Theo lối về thôn cũ đường thắm hoa
Gió trăng lạnh tình không phai niềm nhớ
(Mấy độ thu về-Minh Kỳ)

Khi người lính trở về thành phố thăm người yêu thì mặc cho mưa gió mịt mờ trời đất, họ vẫn quấn quít bên nhau để bù lại những ngày xa cách nhớ nhung và chạy đua với những giờ phép phù du mong manh :

Hôm mình đi ciné về mưa nhiều
Áo dài xanh bên áo trắng hoa biển
Anh che cho em đừng làm ướt áo
Anh quen rồi mưa gió “ lính mà em”
(Lính mà em-Anh Thy)

Thời gian về phép của người lính rất quý báu, nó được tính từng giờ vì “tân thú bất như viễn quy” cơ mà:

Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về
Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi!
Ta đưa ta đến vùng tuyệt vời
(Hai mươi bốn giờ phép-Trúc Phương)

Cũng có lúc vì những bất thường vô định trong đơn vị, người lính đã phải lỗi hẹn với người yêu để nàng khắc khoải đợi chờ:

Chinh chiến nên anh cuối tuần không đến
Một lần xa cách trăm vạn lần thương
Gục đầu nghe tiếng tình yêu dỗi hờn
Những chiều không anh đến tìm
Thương dài từng bước cô đơn
(Nếu đời không có anh- Hoàng Trang)

Lênh đênh giữa sóng nước đại dương, chàng lính thủy nhìn những con sóng trắng xóa bạt ngàn rồi tưởng chừng một loài hoa biển tặng người yêu:

Tại em khi xưa yêu hoa màu trắng
Tại em suy tư bên bờ vắng
Nên đêm vượt trùng anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em
Cho anh thì thầm
Em ơi! Tình mình trắng như hoa đại dương
(Hoa biển-Anh Thy)

Có người lính phi công bay lượn trên không gian để trút bom xuống đầu địch nhìn ra không gian bao la bỗng thấy mây trời kết thành màu tuyết trắng ngần mà nhớ tới người yêu:

Vượt cao vút cao mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần
Tuyết ơi! Xin nhuộm trắng tâm hồn em gái nhỏ tôi yêu
(Tuyết trắng- Trần Thiện Thanh)

Người lính chiến dù gian nguy khổ nhọc vẫn giữ được bản chất hào hoa nghệ sĩ của mình:

Để rồi một năm nơi biên cương dấn bước thân trên sa trường
Ngày thì tìm vui bên chiếc súng khi đêm anh vui với đàn
(Chiều hành quân – Lam Phương)

Người lính Việt Nam Cộng Hòa đã đặt chân trên từng tấc đất quê hương để lùng diệt địch, từ cao nguyên đèo heo hút gió, miền Trung khô cằn sỏi đá cho tới vùng sình lầy Hậu Giang đâu đâu cũng thấy hình ảnh người lính chiến kiêu hùng đáng yêu:

Giờ nầy anh ở đâu? Pleiku gió núi biên thùy
Giờ nầy anh ở đâu? Miền Trung hỏa tuyến địa đầu
Giờ nầy anh ở đâu?Cà Mau tiếng sét u minh rừng
(Giờ nầy anh ở đâu- Khánh Băng)

Nhưng cho dù anh ở đâu thì người hậu phương vẫn yêu thương anh với tất cả tấm lòng trang trọng:

Dù rằng anh ở đâu anh ở đâu vẫn yêu anh hoài vẫn yêu anh hoài
Yêu suốt đời
(Giờ nầy anh ở đâu – Khánh Băng)

Có chàng trai để lỡ một cuôc tình rồi sau một thời gian giong ruổi chinh y trở về gặp lại cố nhân giờ đã tay bế tay bồng:

Mộng đời còn có đêm nay ta hò hẹn ôn lại chuyện chúng mình
Đời tôi đã bao năm gió sương gót chân in chiến trường
Làm quen với đêm canh gió lộng, với mưa khuya núi rừng
(Chuyện chúng mình- Trúc Phương)

Cũng đôi khi có chuyện trớ trêu là người lính chiến trên đường hành quân với cái chết rình rập nhưng chàng lại an bình để nhận được hung tin là người yêu đã ra đi:

Nhưng không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ phương xa
Một đêm buồn có gió đông qua
(Chuyện tình Mộng Thường-Trần Thiện Thanh)

Có lẽ đối với lính, mùa Xuân là mùa buồn nhất. Theo truyền thống thiêng liêng của dân tộc, Tết là thời gian sum họp gia đình, dù ai bôn ba xuôi ngược nơi xa xăm nào thì ba ngày Tết cũng phải cố sắp xếp mà về quay quần với những người thân yêu. Người lính chẳng những không có cái hạnh phúc vui vầy đó mà lại càng phải vất vả khổ nhọc hơn trong sứ mạng bảo vệ an ninh xóm làng cho mọi người đón Xuân. Có nhiều lúc, từ tiền đồn nơi rừng núi xa xôi, cách biệt hẳn chốn phồn hoa đô hội, người lính còn không biết là mùa xuân đã về:

Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?
(Đồn vắng chiều xuân-Trần Thiện Thanh)

Giữa lúc muôn người nô nức đón xuân sang với pháo đỏ rượu hồng, với cao lương mỹ vị, với muôn hoa rực rỡ , với lời chúc tốt đẹp thì lính:

Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
(Phiên gác đêm xuân- Nguyễn văn Đông)

Người lính ngậm ngùi nhắn nhủ người yêu đang cô đơn trong những ngày đầu xuân giá buốt:

Xuân nay anh không về, thì ngàn câu thề không chắc em vui
Quà Xuân anh chẳng có, gác giặc từng giờ, đời lính chiến lấy gì về tặng em
(Phút giao mùa – Trần Thiện Thanh)

Tuy nhiên, từ tiền đồn xa thẳm, người lính vẫn không quên chúc những người hậu phương:

Đầu Xuân xin chúc quê hương thanh bình, thành đô đến nơi đồng xanh ý lành
Nước non vươn màu xanh mới, đón xuân thắm trong niềm vui
Hương xuân giao hòa nhân thế đẹp mãi
Xuân đem sang giàu cho kiếp nghèo đói
(Đầu xuân lính chúc – Tấn An-Hoài Linh)

Để bày tỏ dù trong muôn một tâm lòng yêu thương và biết ơn lính, người hậu phương lúc nào cũng” vui xuân nhớ ơn chiến sĩ” thăm viếng tiền đồn tiền đồn, thư từ tặng quà. Trong tâm tình đó, ta hãy nghe lính tâm sự:

Cảm ơn ai, khi Xuân về vui thật là vui
Không quên người sương gió phương trời
Âu yếm gởi tình đi muôn nơi
(Cảm ơn – Trịnh Lâm Ngân)

Ngày Xuân nơi tiền đồn heo hút giá lạnh, ngồi ôm súng gác giặt, người lính chạnh lòng nhớ đến mẹ già ở một phường trời xa thẳm đang ngày đêm trông ngóng đứa con yêu trở về quây quần mái ấm gia đình trong ba ngày Tết:

Mẹ ơi! Hoa cúc hoa mai nở vàng
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đồi cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn Xuân về lòng buồn mênh mang
(Mùa Xuân của Mẹ – Trịnh Lâm Ngân)

Số phận người lính, những con người mà định mệnh gắn liền với câu “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” thật mong manh sương khói. Đã có biết bao nhiêu người con yêu của tổ quốc- trong đó có những người thân yêu của bạn của tôi, những bạn bè chí quyết của bạn của tôi – đã anh dũng bỏ mình để lại bao thương tiếc ngậm ngùi cho người ở lại:

Hai năm sau, mới có thư về, nhìn con dấu ghi, nơi nắng cháy biên thùy
Người quen cho biết tin
Bạn tôi thân mến đã liệt oanh ngã xuống khắp đơn vị tiếc thương
(Nó và tôi – Song Ngọc)

Điều đau đớn nhất là có những cái chết của mà người lính đã mang theo lời hứa hẹn lứa đôi xuống tận vùng miên viễn để cho người yêu ở lại sống trong nỗi khổ sầu tuyệt vọng khôn cùng. Ôi! Sao mà dân tộc chúng ta bất hạnh và đáng thương đến thế:

Vào một đêm sương có người trai hồi hương báo một tin thật buồn
Tin anh gục chết giữa chốn nông trường xa cho tơ duyên bẽ bàng
(Từ đó em buồn – Trần Thiện Thanh)

Nhưng “anh hùng tử chứ khí hùng nào tử”, người chiến binh Việt Nam Cộng Hoà tuy ngã xuống nhưng hình ảnh khí phách kiêu hùng của anh vẫn mãi mãi ngự trị trong tận trái tim của người dân miền Nam cũng như thiên nhiên đất trời:

Anh! Anh! Nhớ anh trời làm cơn bão
Anh! Anh! Tiếc anh chiều rừng thay áo
Ôi! Vết đau nào nào đưa anh đến
Ngàn đời của nhớ thương
Hỡi bức chân dung trên công viên buồn
(Người ở lại Charlie- Trần Thiện Thanh)

Và hỡi các anh hùng vị quốc vong thân! Các người không bao giờ chết, không bao giờ chết trong lòng những người Việt Nam yêu chuộng tự do, công bằng, nhân bản trong và ngoài nước:

Anh, anh không chết đâu em
Anh chỉ về với mẹ mong con
Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người tiếc thương đời lính
(Anh không chết đâu em – Trần Thiện Thanh)

Trước khi kết thúc bài viết nầy, người viết xin các bạn một giây phút lắng động tâm hồn để cùng nhau thắp nén hương lòng tưởng niệm tất cả anh linh các Quân, Dân, Cán, Chính đã bỏ mình vì lý tưởng tự do trong cuộc chiến tàn ác phi nhân của lịch sử nhân loại.

Bài Khác