Hải quân Việt Nam và Philippines giao lưu hữu nghị tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hải quân Việt Nam và Philippines giao lưu hữu nghị tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ngày đăng 16-09-2019

Lực lượng hải quân Việt Nam và Philippines (10/9) đã tổ chức Giao lưu nhân sự lần thứ 5 tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây là hoạt động luân phiên theo “Quy chế giao lưu nhân sự tại đảo Song Tử Tây (Việt Nam) và đảo Song Tử Đông (Philippines) giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Philippines” ký tháng 3/2012. Các hoạt động giao lưu tạo nên bầu không khí thân thiện, gần gũi và hiểu biết lẫn nhau giữa các lực lượng đóng quân trên hai đảo Song Tử Tây (Việt Nam) và Song Tử Đông (Philippines) nhằm phối hợp ứng phó với các vấn đề rủi ro do thiên tai gây ra; phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ thông tin cảnh báo thời tiết xấu và các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải; giữ gìn trật tự an ninh trên vùng biển khu vực hai đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại Biển Đông. Trong khuôn khổ cuộc Giao lưu nhân sự lần thứ 5, hai bên đã tiến hành trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình trên biển trong khu vực hai đảo Song Tử Tây (Việt Nam) và Song Tử Đông (Philippines) cũng như một số các nội dung cùng quan tâm như cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, buôn lậu, di cư bất hợp pháp, tai nạn hàng hải, thiên tai… Ngoài ra, hai bên đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ và các môn thể thao như: Bóng chuyền, kéo co.

Phát biểu tại cuộc giao lưu, Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Viết Thuân cho biết, quan hệ Việt Nam – Philippines đã và đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng mà hai Bộ Quốc phòng đã ký tháng 10/2010, Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Philippines cũng đã ký hai văn bản hợp tác là Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác song phương và chia sẻ thông tin, “Quy chế giao lưu nhân sự tại đảo Song Tử Tây và đảo Song Tử Đông”. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước phát triển lên tầm cao mới. Việc Hải quân hai nước tổ chức giao lưu nhân sự thể hiện nguyện vọng, thiện chí trong việc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Hải quân hai nước trong việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Về phần mình, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 41 Hải quân Philippines, Đại tá Tagamolila khẳng định những hoạt động giao lưu như thế này giúp tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Philippines, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, thân thiện giữa hai nước, đồng thời góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn vùng biển của mỗi nước và khu vực.

Trước đó, Hải quân Việt Nam và Philippines (10/11/2018) đã tổ chức Giao lưu nhân sự lần thứ 4 tại đảo Song Tử Đông. Trong chương trình giao lưu, chỉ huy và đại diện của hai đảo đã trao đổi, chia sẻ thông tin về tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo (IUU fishing), cảnh báo thiên tai tại khu vực. Hai đoàn đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ và các môn thể thao như: Bóng đá, bóng chuyền, kéo co, nhảy bao, nhảy chân rết… Song song với các hoạt động giao lưu trên đảo, Tàu 561 của Việt Nam và Tàu FF17 của Philippines đã thực hành thông tin cờ hiệu quốc tế và luyện tập chung trên sa bàn với các nội dung như tiếp tế trên biển, kiểm tra các tàu khả nghi và cứu hộ cứu nạn.

Được biết, Đảo Song Tử Tây nằm tại tọa độ 11°26′ vĩ Bắc, 114°20′ kinh Đông thuộc xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, Khánh Hòa. Đảo rộng 12 hecta, là đảo lớn hàng thứ sáu trong số các đảo tại quần đảo Trường Sa và là đảo lớn thứ hai do Việt Nam quản lý, sau đảo Trường Sa. Song Tử Tây cách đảo Song Tử Đông 2,82 km và có thể nhìn thấy đảo này ở đường chân trời. Đảo có điểm cao nhất quần đảo: 4 m trên mực nước biển. Vành đá bao quanh đảo nổi một phần khi thủy triều lên. Đây đã từng là nơi đẻ trứng của chim và được phủ bởi cây và phân chim.

Bài Khác