FB Nguyễn Thị Oanh: Bi kịch của nền giáo dục VN vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài…

Bi kịch của nền giáo dục VN vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài… 

FB Nguyễn Thị Oanh

.

Thấy bà con xôn xao vụ dự thảo quy định bán dâm không được quá 4 lần cho SV Sư phạm, định vô nhờ bác Gúc kiếm toàn bộ bản dự thảo xem còn gì nữa, mới phát hiện ra vào thời gian gần nhất – ngày 5/4/2016 – Bộ GD- ĐT (sau đây xin gọi tắt là Bộ) đã ban hành Thông tư số 10 về Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Theo bản Phụ lục “Một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật sinh viên” ban hành kèm theo Thông tư này thì hoạt động mại dâm nằm trong mục số 17, đã có quy định rõ ràng về số lần vi phạm và hình thức xử lý. Cụ thể: Vi phạm bán dâm lần 1 – Khiển trách. Lần 2 – Cảnh cáo. Lần 3 – Đình chỉ có thời hạn. Và đến lần 4 là buộc thôi học. Như vậy, kể từ hơn hai năm về trước, tất cả các SV mọi ngành, mọi trường thuộc hệ chính quy đều đã có thể được… bán dâm tối đa tới 4 lần chứ không chỉ riêng SV ngành Sư phạm mới được Bộ “quan tâm” như dư luận đang bàn tán ??.

(Xem nguyên văn Thông tư số 10 tại
http://congbao.chinhphu.vn/tai-ve-van-ban-so-10-2016-tt-bgd…)

Để ý sẽ thấy Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT được Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký ngày 5/4/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/5/2016. Như vậy, khi nhận chức bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào thời điểm 9/4/2016, ông Nhạ không thể không biết gì về Thông tư này! Nhưng giờ cũng với nội dung y xì “vi phạm bán dâm” đó trong dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên (HSSV) đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng (CĐ), trình độ trung cấp (TC) hệ chính quy, khi thấy dư luận phản ứng gay gắt, chẳng hiểu sao ông Nhạ lại cho rằng do “một số cán bộ chuyên môn năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém đưa lên”! Còn bà Nghĩa, khi trả lời báo chí, lại cũng bảo do cán bộ thực hiện soạn dự thảo đã “sơ suất, chưa cập nhật”! Chẳng lẽ cả bộ trưởng và thứ trưởng đều đã quên Thông tư 10 do chính bà Nghĩa ký cách nay mới trên hai năm? Một điều buồn cười nữa là trước công luận, cả hai vị lãnh đạo ngành GD đều khẳng định “sai phải sửa” và “sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo có liên quan việc này”. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Nếu vậy thì có phải kỷ luật những người đã soạn thảo và ký ban hành Thông tư 10 từ tháng 4/2016 không? Và hình thức, mức độ xử lý SV ĐH hệ chính quy về “vi phạm bán dâm” theo phụ lục ban hành cùng Thông tư này có tiếp tục còn hiệu lực hay không?

Tuy nhiên, trong toàn bộ Thông tư 10 cũng như trong dự thảo nêu trên, điều đáng quan tâm hơn không chỉ là nội dung xử lý hành vi bán dâm của SV mà là những quy định vừa mang tính áp đặt thô thiển, vừa xâm phạm và thiếu tôn trọng quyền tự do cá nhân cũng như quyền được biểu đạt thái độ, suy nghĩ độc lập đối với các vấn đề xã hội. Sinh viên khi đã học tới bậc cao đẳng – đại học, có nghĩa là đã bước vào tuổi thành niên, đủ năng lực để tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi cá nhân trước pháp luật. Vậy mà Bộ GD-ĐT còn phải lo quản lý SV từ việc đi học muộn, nghỉ học không phép, mất trật tự, làm việc riêng trong giờ học… cho đến việc cấm mang tài liệu vào phòng thi, vẽ bậy vào bài thi, và cả việc không được vô lễ với thầy cô giáo, CBVC nhà trường! Thật tình, nếu ai không xem cái tựa mà chỉ đọc nội dung phụ lục về khung xử lý kỷ luật ban hành kèm theo Thông tư 10, chắc sẽ lầm tưởng đó là các điều khoản trong một nội quy dành cho học sinh tiểu học ?. Lại có những quy định xử lý các hành vi ngoài phạm vi quản lý của nhà trường và trên thực tế đã có luật điều chỉnh cụ thể, thế mà không hiểu sao ngành GD vẫn cứ lo “gánh” trách nhiệm với SV? (như nội dung vi phạm các quy định về an toàn giao thông).

Nhưng, nghiêm trọng nhất vẫn là những quy định có tính kìm hãm SV thể hiện quan điểm chính trị – XH độc lập, nhằm kiểm soát và áp chế sự khác biệt về tư tưởng của thành phần này. Trước nay, tôi thấy nhiều em SV (trong đó gồm cả các cháu tôi) không dám tham gia những cuộc “tụ tập đông người” chống phá hoại môi trường, bảo vệ biển – đảo… với lý do sợ bị nhà trường ghi “sổ đen” để đuổi học. Cứ nghĩ các cháu vì nhát gan do thiếu hiểu biết hoặc vốn quen thờ ơ với xã hội nên đổ cho trường hăm dọa như vậy. Ai dè đó là “luật” của Bộ hẳn hoi! ?. Đọc quy định xử lý vi phạm như ở các mục 22, 23, 24 của phụ lục kèm theo Thông tư 10 mới hiểu vì sao giới SVHS ngày nay luôn thụ động, xa lạ với những vấn đề sống còn của đất nước và hoàn toàn thiếu kỹ năng phản biện xã hội ?.

Tôi đang ở Phần Lan. Gặp gỡ và làm việc với một số trường đại học uy tín về đào tạo giáo viên ở đất nước có nền giáo dục dẫn đầu thế giới này. Khi được hỏi lý do làm sao có được một đội ngũ giáo viên chất lượng để làm nên một nền GD thành công như vậy, các bạn Phần Lan đều trả lời rằng: Không chỉ cần một nền tảng học vấn cao và tố chất tích cực, các giáo viên còn cần phải được tuyệt đối tin tưởng và tôn trọng thì mới có thể làm việc hiệu quả. Không ai, kể cả hiệu trưởng, có thể can thiệp và áp đặt thô bạo vào công việc giảng dạy của người giáo viên.

“Trông người lại ngẫm đến ta”. Càng thấy nản khi nhìn lại cách đào tạo sinh viên nói chung và SV ngành Sư phạm nói riêng ở xứ mình! SV đại học không chỉ được dạy như “học sinh cấp bốn” mà còn bị quản lý từ tư tưởng cho đến hành vi sinh hoạt cá nhân. Với các SV Sư phạm, một khi chính bản thân họ còn cảm thấy không được tôn trọng và không được phép độc lập ngay cả trong suy nghĩ thì làm sao sau này có thể trách họ chỉ dạy học sinh như những con vẹt?

Tôi nhớ một chi tiết các bạn ở ĐH Đông Phần Lan kể về quá trình “lột xác” của nền giáo dục quốc gia kéo dài suốt hai phần ba thế kỷ qua, trong đó một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công là người Phần Lan đã đoàn kết đấu tranh để yêu cầu tách bạch hẳn chính trị với giáo dục. Họ đã nói với các nhà chính trị: Hãy để yên cho chúng tôi làm giáo dục! Để dạy học phải trở thành một trong những nghề được kính trọng nhất của xã hội, và để mọi trẻ em trong lứa tuổi đến trường đều nhận được các cơ hội giáo dục như nhau, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giới tính, vùng miền, thành phần gia đình hoặc quan điểm chính trị… Ngày nay, như ai cũng thấy, người Phần Lan đã tự hào ngẩng cao đầu với thành tựu là một nền giáo dục tiến bộ và chất lượng dẫn đầu thế giới!

Bi kịch của nền giáo dục VN vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài, một khi người ta không lo DẠY mà chỉ lo QUẢN, không cho NÓI mà chỉ cho NGHE, không chấp nhận KHÁC BIỆT mà chỉ muốn ĐỒNG PHỤC, kể cả ĐỒNG PHỤC TƯ TƯỞNG. Chuyện… bốn lần hay… mấy lần tuy là câu chuyện hài, nhưng ẩn sâu bên dưới nó là những nỗi đau có thể lặng lẽ khóc cho con cháu chúng ta không biết bao giờ mới dứt! ???

Nguồn: FB Oanh Nguyen Thi

Bài Khác