Facebook: ‘không trở lại TQ, nếu không bảo đảm được tự do biểu đạt’

Facebook: ‘không trở lại Trung Quốc, nếu không bảo đảm được tự do biểu đạt’

Các công ty công nghệ và quyền tự do ngôn luận (AP Photo)

 

Tập đoàn Facebook hôm 13/11 tuyên bố tập đoàn này sẽ chỉ trở lại Trung Quốc nếu có thể đảm bảo các quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư. Đây là những điều kiện có thể khiến việc Facebook quay lại thị trường Trung Quốc hầu như là điều không khả thi tại thời điểm nay.

Facebook (FB) đưa ra bình luận vừa kể để trả lời những câu chất vấn của các Thượng nghị sĩ Mỹ. Lập trường của Facebook tỏ ra thận trọng hơn so với Google giữa lúc Google đang vận động để đưa công cụ dò tìm của mình sang Trung Quốc trở lại. Dự án bị đả kích nặng nề và là đề tài tranh cãi trong nội bộ với các nhân viên Google cũng như những người ngoài công ty. Nhiều người cho rằng làm như vậy là Google vi phạm sứ mạng của mình. Lãnh đạo Google, ông Sundar Pichai, từng nói thị trường Trung Quốc quá lớn để có thể ‘quay lưng’.

Bị cấm ở Trung Quốc từ năm 2009, Facebook nói hiện công ty không rõ Bắc Kinh sẽ áp dụng những luật và những quy định nào đối với nội dung trên mạng xã hội này nếu Facebook được hoạt động trở lại ở Trung Quốc.

Nhóm hoạt động Avaaz căng biểu ngữ bên ngoài Điện Capitol ở thủ đô Washington, ngày 10/4/2018, trước cuộc điều trần của CEO Facebook Mark Zuckenberg.
Nhóm hoạt động Avaaz căng biểu ngữ bên ngoài Điện Capitol ở thủ đô Washington, ngày 10/4/2018, trước cuộc điều trần của CEO Facebook Mark Zuckenberg.

 

FB đưa ra những bình luận vừa kể với Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ giữa lúc các công ty internet đang phân vân không biết làm cách nào để làm ăn tại Trung Quốc, bất chấp những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền tự do biểu đạt.

Nhiều công ty đã bị chặn ở Trung Quốc trong nhiều năm, trong đó có Twitter (TWTR), Instagram (do FB sở hữu) và công cụ dò tìm và dịch vụ email của Google (GOOGL).

Điều đó đã không cản trở các công ty tìm nhiều cách để chen chân vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, và tiếp cận thị trường béo bở Trung Quốc với 800 triệu người sử dụng internet.

Mới đây Google bị chỉ trích nặng nề về kế hoạch của công ty, cho phát triển một phiên bản công cụ dò tìm có kiểm duyệt cho Trung Quốc giúp chính quyền chặn các trang web và các thuật ngữ nhất định. Dựa trên những tài liệu nội bộ của Google và những nguồn tin am tường kế hoạch này, hồi tháng 8 trang Intercept tiết lộ một dự án có mã tên “Dragonfly” đã được triển khai từ mùa Xuân năm 2017.

Như Google, Facebook là một thành viên của Sáng kiến Mạng lưới Toàn cầu, một liên minh tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về thương mại và nhân quyền. Thành tích của mỗi thành viên được đánh giá mỗi hai năm một lần.

Giới hoạt động bảo vệ nhân quyền chỉ trích FB và các công ty internet khác quyết tâm làm ăn với Trung Quốc bất chấp những hạn chế đối với các quyền căn bản.

Đài CNN dẫn lời bà Sophie Richardson, Giám Đốc của Human Rights Watch đặc trách Trung Quốc, mạnh mẽ chỉ trích nhận định của FB, rằng công ty này không biết làm cách nào Bắc Kinh có thể giới hạn các hoạt động, nếu FB được phép trở lại Trung Quốc.

Bà nói ai cũng biết vấn đề liên quan tới kiểm duyệt và theo dõi ở Trung Quốc, và yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, đòi các công ty nước ngoài phải tiết lộ dữ kiện và thông tin cá nhân người dùng internet.

Trước đây trong năm, FB loan báo kế hoạch mở một trung tâm sáng tạo tại Trung Quốc. CEO của FB, Mark Zuckerberg, đã cố gắng xây dựng quan hệ với Bắc Kinh qua các cuộc thăm viếng thường xuyên và gặp gỡ các lãnh đạo Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nguồn: VOA

Bài Khác