EU ‘ủng hộ quan điểm của Việt Nam về căng thẳng ở Biển Đông’

EU ‘ủng hộ quan điểm của Việt Nam về căng thẳng ở Biển Đông’

  • 1 giờ trước

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Tại buổi họp báo sau cuộc họp, vị lãnh đạo châu Âu nói Liên hiệp châu Âu lo ngại về “căng thẳng đang dâng cao” tại khu vực Biển Đông.

Bà nói việc quân sự hóa ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình trong vùng biển có tranh chấp, đồng quan điểm với Hoa Kỳ trong bối cảnh sức ép lên tham vọng của Bắc Kinh đang tăng.

“Liên hiệp châu Âu hoàn toàn ủng hộ quan điểm và lo ngại của quý vị về tình hình và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Chúng tôi tin rằng căng thẳng này, việc quân sự hóa này chắc chắn không có lợi cho một môi trường hòa bình. Tại Liên hiệp châu Âu, chúng tôi luôn luôn bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, điều có lợi cho tất cả các quốc gia.”

“Chúng tôi ủng hộ sự minh bạch và kết thúc nhanh chóng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý giữa Trung Quốc và ASEAN. Quý vị có thể trông cậy vào Liên hiệp châu Âu để không những hướng tới việc giảm căng thẳng, mà còn, trước tiên, là bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế một cách đầy đủ.”

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh sự ủng hộ của EU cho tự do hàng hải tại Biển Đông.

“Việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đã và đang làm gia tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin và làm suy yếu hòa bình an ninh và ổn định khu vực. Tôi đề nghị EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS năm 1982 và tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước,” ông nói tại cuộc họp báo.

Ông Phạm Bình Minh cũng đề nghị phía EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam xuất sang EU. Hồi năm 2017, Ủy ban châu Âu đưa thẻ vàng cảnh cáo sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vì Việt Nam thực hiện chưa tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lên cao sau khi Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương-8 vào bãi Tư Chính, khu vực mà Việt Nam khẳng định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại hội nghị Asean và các đối tác ở Bangkok đầu tháng 8, ông Phạm Bình Minh tuyên bố hoạt động của tàu Trung Quốc đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng.

Khi gặp ông Phạm Bình Minh tại Bangkok, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói hai bên nhất trí cùng trao đổi ý kiến, giải quyết thoả đáng những vấn đề phát sinh trong quan hệ hai nước.

Hợp tác quốc phòng

Cũng trong ngày 5/8, bà Federica Mogherini đã có cuộc gặp chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Theo thông cáo báo chí chung ra cùng ngày giữa ông Ngô Xuân Lịch và Bà Federica Mogherini, hai bên trao đổi về việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết chung, thông qua tiếp tục thúc đẩy các cơ chế và khuôn khổ hợp tác, hỗ trợ triển khai hiệu quả Chiến lược Hội nhập quốc tế của Việt Nam và Chiến lược Toàn cầu của Liên minh Châu Âu.

“Quan hệ đối tác hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh sẽ phát huy và bảo vệ các nguyên tắc và quyền cơ bản theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người…

“Hai bên cam kết hợp tác để đạt được kết quả cụ thể trong giải quyết các thách thức an ninh chung, cả ở châu Á và những nơi khác, bao gồm thông qua thực thi đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh,” bản thông cáo chung viết.

Từ năm 2016, Hiệp định khung về Quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU có hiệu lực.

Bản tin của Bộ quốc phòng Việt Nam nói: “Hai Bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bao gồm xây dựng năng lực và đào tạo thông qua việc tham gia các chương trình huấn luyện.”

Việt Nam cũng cho hay EU và Việt Nam sẽ tăng cường tham gia bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển, “phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

EU và Việt Nam cũng sẽ hợp tác về an ninh mạng, theo thông cáo.

Nhìn về tương lai, hai bên sẽ có các cuộc tham vấn thường kỳ về quốc phòng – an ninh.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini hôm 5/8 đã chứng kiến lễ ký biên bản triển khai chuyên gia Gìn giữ hòa bình của EU đến hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Bài Khác