Estonia và Latvia tưởng niệm nạn nhân bị lưu đày thời Xô Viết

Estonia và Latvia tưởng niệm nạn nhân bị lưu đày thời Xô Viết

.

Nến và bảng tưởng niệm các nạn nhân Estonia, Latvia, Litva bị Stalin đày đi Siberia cách đây 70 năm. Ảnh chụp ngày 25/03/2019. REUTERS/Ints Kalnins

Hàng ngàn người Estonia vào hôm qua, 25/03/2019, đã thắp nến ở Quảng trường Tự Do, trung tâm thủ đô Tallin, để tưởng niệm những người bị lưu đày đến vùng Siberia thời chế độ Xô Viết vào năm 1949. Stalin khi ấy đã ra lệnh đưa đi lưu đày những người bị ông liệt vào diện “kẻ thù của nhân dân” ở ba nước vùng Baltic : Estonia, Latvia, Litva, sau khi chiếm ba nơi này trong Thế Chiến II.

Chiến dịch đã khởi động ngày 25/03/1949, với khoảng 95.000 người bị lưu đày, trong đó có khoảng 32.000 người Litva, 42.000 người Latvia và 21.000 từ Estonia. Không ít phụ nữ và trẻ em nằm trong số người phải đi đày. Họ bị đưa đến các trại cải tạo, những người sống sót được trở về nhà vào khoảng 1958 và 1965.

Tòa án Nhân quyền châu Âu xem những vụ lưu đày này là một tội ác chống nhân loại.

Tổng thống Estonia, bà Kersti Kaljulaid, tham gia lễ tưởng niệm, cho rằng “chỉ có chung sức mới có thể chống lại tư tưởng độc tài, tránh thảm cảnh tái diễn…”

Theo hãng tin Pháp AFP, trong số những người đến thắp nến ở Quảng Trường Tự Do, có người như cô Katlin, 35 tuổi, có cha ông bị lưu đày và chết ở Siberia, nhưng cũng có người bản thân bị lưu đày, như hai chị em Elle và Malle, năm nay đã hơn 70 tuổi. Họ bị đưa đến Novosibirsk cùng với gia đình lúc còn bé. Hai người nhớ lại cảnh thiếu ăn thiếu uống bị xem như là bình thường vào thời ấy. Gia đình hai người được may mắn trở về Estonia vào năm 1958.

Không riêng gì tại Estonia, theo AFP, hàng ngàn người cũng tập hợp tại các thành phố, làng xã ở Latvia tưởng niệm nạn nhân những vụ lưu đày thời Xô Viết.

Andrejs Ancans, một người trong ban tổ chức tưởng niệm ở Riga, thủ đô Latvia, giải thích : “Chúng tôi tập hợp những người bị lưu đày còn sống sót cùng với các trẻ em, để các em nghe một cách trực tiếp những câu chuyện khủng khiếp ở các Goulag“.

Nguồn: RFI

Bài Khác