Điện mặt trời Bình Định: Dự án tạm dừng vì dân phản đối

Điện mặt trời Bình Định: Dự án tạm dừng vì dân phản đối

.

Một người dân phát biểu trong buổi tiếp dân hôm 4/12 tại xã Mỹ Thắng. LAT DAT/FACEBOOK

 

Hôm 4/12, trước toàn thể hàng trăm người dân xã Mỹ Thắng, lãnh đạo tỉnh Bình Định tuyên bố tạm ngưng dự án điện mặt trời.

Việc tuyên bố tạm ngưng dự án trên cũng kết thúc hơn 20 ngày người dân Mỹ Thắng chặn xe (từ tháng 11), và bắt giữ hai người ‘lạ mặt’.

Một số người dân tin rằng đó là “hai người Trung Quốc” nhưng không có nguồn nào khác từ phía chính quyền xác nhận điều này.

Nay hai người này đã được thả ra.

Chuyện gì đã xảy ra?

 

Theo tường thuật của báo chí trong nước, hôm 11/11 người dân xã Mỹ Thắng đã giữ lại một ô tô của đoàn rà phá bom mìn cho dự án và đến hôm 29/11 thì bắt giữ thêm hai người lạ mặt.

Xác nhận với BBC hôm 6/12, một số người dân địa phương cho biết, hôm đó, khi bắt gặp một nhóm người xuống khảo sát cho dự án, người dân đã giữ lại chiếc xe với mong muốn được đối thoại với lãnh đạo tỉnh.

Đến hôm 29/11, khi có một phái đoàn khác xuống thăm dò, thì có “hai đàn ông lạ mặt” đã bị người dân bắt giữ lại.

Cuộc đối thoại trực tiếp hôm 3/12, nhiều người dân nêu cảm nghĩ phản đối không cho Trung Quốc thuê đất, đầu tư:

Vụ việc khiến lãnh đạo địa phương phải đến đối thoại gấp với người dân.

“Lo ngại ảnh hưởng đến ngoại giao, cho nên mấy ông xuống đàm phán ngay,” một người dân xin được giấu tên nói về buổi tiếp dân hôm 3/12.

Tuy nhiên, khi đó người dân từ chối lên hội trường ủy ban xã mà yêu cầu lãnh đạo huyện đến hiện trường nơi họ giam giữ xe và hai người lạ bị bắt giữ, trước khi trao trả lại cho chính quyền.

Đến ngày 4/12, hàng trăm người dân đã tụ tập và có buổi đối thoại trực tiếp chính thức.

Chính quyền nói gì?

 

Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rằng huyện Phù Mỹ là địa bàn quan trọng cho chiếc lược phát triển kinh tế biển:

“Thế nhưng, huyện có 200.000 dân với nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy mà thu ngân sách không bằng huyện miền núi Vĩnh Thạnh chỉ có 30.000 dân. Chúng tôi rất trăn trở, cố gắng kêu gọi đầu tư các dự án để Phù Mỹ phát triển nhưng làm gì cũng bị người dân cản trở, không thể hiểu được. Chẳng lẽ chúng ta chấp nhận nghèo mãi hay sao?” ông Dũng nói, theo báo Tuổi Trẻ.

Một người dân nói họ tiếp nhận chính quyền có mong muốn “cho quê hương nghèo phát triển” nhưng họ không đồng ý cho người Trung Quốc đến đầu tư, làm hàng rào vây quanh, rồi lấy đất người dân.

Ông Hồ Quốc Dũng nói dự án sẽ chỉ làm trên diện tích đất trống, và một phần diện tích người dân trong keo lai, bạch đàn, chứ không đụng đến một cây dương rừng phòng hộ.

Ông cũng khẳng định không cho phép doanh nghiệp khai thác titan ở xã Mỹ Thắng.

“Tôi xin hứa với bà con là từ trước đến giờ và mãi mãi sau này không doanh nghiệp nào được phép khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng. Bà con phát hiện có ai cho phép khai thác titan thì tôi chịu trách nhiệm,” ông Hồ Quốc Dũng nói.

Ông Hồ Quốc Dũng nói hôm 03/12 rằng việc giữ người vô cớ là “việc làm vi phạm pháp luật”.

“Tôi yêu cầu ai giữ người phải thả ra ngay, nếu không thì chính quyền sẽ phải sử dụng biện pháp nghiêm khắc để xử lý.”

Không phải là lần đầu tiên

 

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Phù Mỹ tỏ thái độ phản đối chính quyền. Thực tế, kể từ khi việc khai thác titan được tiến hành ở Bình Định, người dân đã liên tục phản đối.

Vào 2011, người dân Phù Mỹ khi đó đã bắt nhốt nhiều cán bộ để phản đối việc cấp nước sạch sinh hoạt chỉ vì lo sợ những dự án cấp nước này là để khai thác titan.

Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, hàng trăm người dân ở Mỹ Thọ, Phù Mỹ, Bình Định cũng phản đối dự án đặt trạm điện gió vì cho rằng mục đích chính là khai thác titan.

Tỉnh Bình Định được xác định là một trong những tỉnh có nguồn quặng titan lớn nhất nước. Từ 2010, đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường và UBND tỉnh cấp phép khai thác titan.

Việc khai thác titan hầu hết đều diễn ra ở các xã ven biển ở hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu tinh tế Nhơn Hội.

Việc khai thác dẫn đến hàng trăm hécta rừng dương chắn cát ven biển bị triệt phá, các mỏ khai thác titan lún sâu, hút cạn nguồn nước của người dân vốn cần nguồn nước để nuôi trồng thủy sản mưu sinh.

“Dân người ta không có không gian sinh sống, nên người ta không đồng ý giao đất, xây dựng dự án.”

“Nếu mà còn xuống nữa thì người dân sẽ chiến đấu tiếp. Qua chuyện này mới thấy dân mà đoàn kết lại thì có thể giành chiến thắng,” một người dân dấu tên nhận định với BBC về vụ việc vừa qua.

Nguồn: BBC

Bài Khác