Dịch tả heo Phi châu lan tới 20 tỉnh, Việt Nam lo chặn dịch từ Cambodia

Dịch tả heo Phi châu lan tới 20 tỉnh, Việt Nam lo chặn dịch từ Cambodia

.

Lập chốt chặn, kiểm soát dịch tả heo Châu Phi tại tỉnh Long An sát với Cambodia. (Hình: Dân Việt)

LONG AN, Việt Nam – Không những lo chặn dịch từ các tỉnh phía Bắc lấn qua miền Trung rồi tới miền Nam, nhiều địa phương còn phải lo đối phó với dịch tả heo Phi Châu từ bên Cambodia đổ vào.

Tờ Dân Việt hôm Chủ Nhật cho hay “Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang tiến vào miền Trung và cơn dịch này đã bùng phát tại một số tỉnh Campuchia giáp ranh tỉnh Tây Ninh có thể lây qua đường tiểu ngạch, hai tỉnh Long An, Tiền Giang đã hối hả thành lập hàng loạt chốt kiểm dịch trên các cửa ngõ và tổ chức kiểm tra suốt ngày đêm.”

Theo nguồn tin vừa kể “Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã thành lập 8 chốt kiểm dịch trên địa bàn, gồm: 3 chốt ở Bến Lức, 2 chốt ở TP.Tân An, 1 chốt ở Cần Giuộc và 2 chốt ở Đức Hòa. Long An là tỉnh có số lượng cơ sở giết mổ lớn, số lượng lợn chủ yếu nhập từ các tỉnh khác nên nguy cơ nhiễm bệnh khá cao.”

Tại Tiền Giang, “hàng loạt chốt kiểm dịch cũng được dựng lên. Ngoài 3 chốt kiểm dịch được triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là: tuyến đường dẫn xuống cao tốc (đầu đường tỉnh lộ 878, thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành); tuyến Quốc lộ 1A (thuộc xã Tân Hương, huyện Châu Thành) và tuyến Quốc lộ 50 (gần Trạm thu phí cầu Mỹ Lợi thuộc xã Bình Đông, Tx. Gò Công), huyện Chợ Gạo, Tân Phước còn thành lập chốt kiểm dịch để kiểm soát nguồn lợn từ tỉnh Long An qua”, tờ Dân Việt kể.

Các tỉnh phía Nam hồi hả đối phó với nguy cơ lây nhiễm dịch tả heo từ hướng Cambodia đổ vào trong lúc dịch đã lan ra 20 tỉnh thành mà Lai Châu là tỉnh sau cùng thấy loan báo có dịch. Một số tỉnh từng loan báo dịch trước đây thấy có thông tin mới lây lan thêm trong phạm vi tỉnh.

Riêng tỉnh Hưng Yên, theo báo Giao Thông thì “Theo con số cập nhật mới nhất, 10/10 huyên tại Hưng Yên đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi với tổng số lợn nhiễm dịch phải tiêu hủy khoảng hơn 7 nghìn con, tương đương hơn 600 tấn. “Dịch vẫn đang phát triển rất phức tạp. Trong khi phía trên nôn nóng chỉ đạo các biện pháp dập dịch thì phía dưới nhiều xã vẫn còn “lơ là”, làm không hết trách nhiệm, đổ việc cho thú y. Chính hiện tượng này càng khiến công tác chống dịch gặp khó khăn”, theo lời Chi cục trưởng Thú Y tỉnh.

Tuần qua, Tổ chức Lương Nông Quốc Tế thuộc lHQ đã khuyến cáo nhà câm quyền Việt Nam tuyên bố dịch trên bình diện quốc gia. Tuy nhiên, đến nay vẫn thấy họ tránh né. Chỉ thấy nhà cầm quyền trung ương lập “Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi” gồm các bộ ngành phối hợp.

Theo tờ Người Lao Động, thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho hay, “từ ngày 3-8-2018 đến nay, hơn 20 quốc gia báo cáo có dịch tả heo Phi châu (DTHCP). Tại Trung Quốc, tổng cộng có 113 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh, thành và 1,1 triệu con heo bị tiêu hủy.”

“Tại Việt Nam, từ ngày 1 Tháng Hai đến 20 Tháng Ba, DTHCP đã xảy ra tại 310 xã, 62 huyện của 20 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nghệ An, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Lai Châu. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 37.868 con.”

Vẫn theo tờ Người Lao Động “Trong một diễn biến liên quan, FAO vừa tổ chức đoàn đánh giá khẩn cấp nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Việt Nam đối với DTHCP. Mục tiêu của đoàn đánh giá là tư vấn các biện pháp tốt nhất để xử lý và tiêu hủy heo, sử dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus ASF (African Swine Fever); đề xuất các hành động ngay lập tức, ngắn hạn và trung hạn”.

Báo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Ba, 2019, dẫn tin từ Hiệp Hội Chăn Nuôi, cho biết mỗi tháng người Việt tiêu thụ khoảng 3 triệu con heo nuôi trong nước, tương đương 300,000 tấn.

Nguồn: Người Việt

Bài Khác