Cyprus thu hồi ‘hộ chiếu vàng EU’ của người TQ, Nga và Campuchia

Cyprus thu hồi ‘hộ chiếu vàng EU’ của người TQ, Nga và Campuchia

  • 8 tháng 11 2019
Cyprus passport, file pic
Image captionMillionaire investors can buy Cyprus passports – a gateway to the EU

Cyprus tước ‘hộ chiếu vàng’ đã trao cho nhà đầu tư TQ, Campuchia và một số nước vì bị phê phán ‘bán quốc tịch’.

Cộng hòa Cyprus (đảo Síp, nước thành viên EU) đã thu hồi “hộ chiếu vàng” được mua bởi 26 nhà đầu tư nước ngoài giàu có cho bản thân và thân nhân vốn là dân các nước ngoài khối EU.

Theo nguồn tin, những người này gồm chín người Nga, tám người Campuchia và năm người Trung Quốc.

Số còn lại đến từ Malaysia, Kenya và Iran.

Cộng hòa Cyprus cấp hộ chiếu EU cho các khoản đầu tư trị giá ít nhất hai triệu euro.

Hồi đầu năm 2019, Liên hiệp châu Âu (EU) đã yêu cầu các quốc gia thành viên thắt chặt việc kiểm tra công dân ngoài EU tìm cách nhận hộ chiếu EU thông qua các khoản đầu tư.

Có những lo ngại rằng “hộ chiếu vàng” có thể là một cửa hậu vào EU cho các băng đảng tội phạm hoặc các quan chức chính phủ tìm cách rửa tiền, hoặc trốn thuế tại nước của họ.

Điều tra của hãng tin Reuters tháng trước cho thấy có cộng sự và người thân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen bị cho là liên quan đến hộ chiếu CH Cyprus.

Cyprus property billboard near Limassol, 9 Nov 12
Image captionCyprus thu hút nhiều nhà giàu từ Nga

Điều tra của Reuters nêu ra danh sách những người giàu có ở Campuchia mà hãng tin này nói, đã nhận quốc tịch đảo Cyprus, gồm cả cháu gái thủ tướng lâu năm Hun Sen, bà Hun Kimleng và chồng, đại tướng công an Neth Savoeun.

Hộ chiếu đẹp là tấm vé vào châu Âu

Cũng liên quan đến việc dùng hộ chiếu nước ngoài, một số nghị sĩ Quốc hội VN từng bị cho là “có quốc tịch EU”.

Hồi tháng 7/2016, Đảng đối lập chính tại Malta, Đảng Quốc gia, yêu cầu chính phủ giải thích vì sao một đại biểu quốc hội Việt Nam có được hộ chiếu Malta, theo truyền thông Malta, đảo quốc thành viên EU.

Đây là trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Hội đồng bầu cử Quốc gia Việt Nam nói luật Việt Nam chỉ cho phép công dân có một quốc tịch, trong khi bà Nguyệt Hường không kê khai quốc tịch Malta trong hồ sơ ứng cử.

Malta
Image captionBáo Malta nói về vụ bà Nguyệt Hường hồi 2016

Sang tháng 6/2018, ở Warsaw, Ba Lan có cuộc biểu tình của một nhóm vận động người gốc Việt đã yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan hay không.

Hôm 17/06, ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình cho BBC biết ông “không rõ về vấn đề quốc tịch của ông Thân”.

Ông Nguyễn Văn Thân “quốc tịch gốc vẫn là người Việt Nam”, ông Phạm Quốc Khánh nói, bởi “trước khi vào quốc hội, hồ sơ lý lịch các ứng viên đã được điều tra làm rõ”.

Cùng lúc, việc dùng hộ chiếu giả hoặc thật của các nước láng giềng như Trung Quốc được cho là cách để một số người Việt Nam không phải là triệu phú dùng để di dân trái phép.

Một chuyên gia về tình trạng buôn người, Georges Blanchard, người Pháp sống ở Hà Nội cho rằng nhận xét đường đi và kỹ thuật đưa đi của các tổ chức buôn người từ Việt Nam sang Anh đã thay đổi trong thời gian qua.

Trước đây Anh Quốc thường kiểm tra rất kỹ các chuyến bay đến từ Việt Nam, nhưng bây giờ “người ta đổi hộ chiếu và sẽ đi như người Trung Quốc vì bên nước Anh kiểm tra người Việt Nam là nhiều hơn”, ông nói với BBC News Tiếng Việt.

“Vì thế, báo cáo mới nhất của IMO (Tổ chức Di dân Quốc tế) chứng minh đường buôn bán từ Việt Nam sang Anh đã là chuyện cũ.

“Người ta sẽ đổi kỹ thuật đi. Có thể tương lai là sẽ thấy người Việt Nam mang hộ chiếu Nhật, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan chẳng hạn,” ông Blanchard nói.

Theo một bảng phân hạng hộ chiếu trên toàn cầu 2016, dựa vào số quốc gia cho phép miễn thị thực thì hộ chiếu Việt Nam ở vào vị trí 77/95, kém Cuba và Zimbabwe.

Các dòng người di dân lậu từ Việt Nam tăng lên, và vụ 39 công dân nước này chết thảm trong xe tải trên đường vào Anh lập tháng 10/2019 sẽ chỉ khiến việc kiểm soát người mang hộ chiếu Việt Nam ở các cửa khẩu châu Âu chặt chẽ thêm.

Bài Khác