Cựu dân biểu Trần Thái Văn kể chuyện đi Thái Lan vận động cho Lý Tống

LS TRẦN THÁI VĂN (Gửi tới BBC Tiếng Việt từ California, Hoa Kỳ) –

Cựu dân biểu Trần Thái Văn kể chuyện đi Thái Lan vận động cho Lý Tống

.

Ông Lý Tống ra trước tòa ở Thái Lan vào tháng 9/2006. GETTY IMAGES

Vào đầu thập niên 1990 tôi mới được nghe đến tên anh Lý Tống, một cựu sĩ quan Không quân của Quân Lực Việt Nam Cộng hòa, qua giới truyền thông báo chí Việt Ngữ.

Chưa có dịp gặp hay tiếp xúc, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn được nghe hoặc đọc về những hành động phi thường bất chấp nguy hiểm của Lý Tống, và tin anh an toàn trở về.

Lý Tống lúc ấy được xem là huyền thoại của một anh hùng thời thế, báo chí Mỹ ví anh như một “James Bond” Việt Nam, thật không có gì oai bằng.

Vào khoảng tháng 11/2000, tôi nghe tin Lý Tống áp chế một máy bay dân sự Thái Lan, bay qua Việt Nam thả 50.000 truyền đơn trên bầu trời Saigon để vận động nhân dân nổi dậy trong lúc Tổng thống Bill Clinton đang thăm viếng Việt nam.

Lúc đó không thể ngờ phi vụ này của Lý Tống đã khiến chúng tôi có dịp gặp nhau và liên quan đến nhau trong một thời gian khá dài.

Hữu duyên thiên lý?

Thả truyền đơn xong, bay về Thái Lan, Lý Tống bị chính quyền địa phương bắt sau khi đáp xuống một sân bay ở đây. Anh bị kết án gần 7 năm tù vì tội “không tặc.”

Nhà cầm quyền CSVN, trong khi đó, yêu cầu Thái Lan dẫn độ Lý Tống, một công dân Hoa kỳ, về Việt Nam để xét xử, sau khi thụ xong án tại nước này.

Lý Tống trong lúc được đưa ra tòa án hình sự tại Bangkok, Thái Lan, hôm 7/9/2006
Lý Tống trong lúc được đưa ra tòa án hình sự tại Bangkok, Thái Lan, hôm 7/9/2006. PORNCHAI KITTIWONGSAKUL/GETTY IMAGES

Cộng đồng người Việt tại hải ngoại lúc đó phản ứng mạnh mẽ, lý luận rằng việc dẫn độ Lý Tống về Việt nam là một vụ án chính trị, anh sẽ không có công lý và sẽ bị nhà cầm quyền Việt Nam trả thù, trong khi đã gần hoàn tất án tù 7 năm tại Thái Lan.

Riêng tại San Jose, California, một số thân nhân và thân hữu của Lý Tống lập ra một Ủy ban Vận động hai Chính phủ Hoa Kỳ và Thái Lan không đáp lời yêu cầu giao anh cho Việt Nam.

Vào mùa Hè năm 2005, Đại diện của Ủy ban Phát huy Tinh thần Lý Tống liên lạc với văn phòng tôi tại Costa Mesa, yêu cầu giúp đỡ anh.

Với tư cách là Dân biểu tiểu bang California, cũng là dân cử Mỹ gốc Việt có tiếng nói cao cấp nhất tại Hoa Kỳ lúc ấy, nên dù không hẳn đồng ý với hành động thể hiện chính trị của Lý Tống, sau nhiều cân nhắc, tôi cuối cùng đã đồng ý vận động can thiệp cho anh.

Là một thành viên của cộng đồng tị nạn cộng sản, lương tâm và trách nhiệm không cho phép tôi khước từ lời cầu cứu từ một công dân Mỹ gốc Việt, có cùng một thẻ căn cước quốc gia. Hơn nữa, tôi xem việc can thiệp này như một việc làm có tính cách nhân đạo và vì tình đồng hương với nhau.

Mặt khác, về lãnh vực chính trị trong dòng chính Hoa Kỳ, tôi đắn đo, cân nhắc rất nhiều về việc nên hay không liên hệ đến hồ sơ Lý Tống. Người dân Hoa Kỳ sẽ đặt câu hỏi tại sao một dân biểu Hoa Kỳ cấp tiểu bang lại đi vận động cho một tù nhân bị kết tội “không tặc” trên không phận quốc tế giữa Thái Lan – Việt Nam.

Từ Hoa Thịnh Đốn đến Bangkok

Sau khi nhận lời giúp Lý Tống, tôi cùng với một phụ tá lập pháp, bay từ Nam California lên Hoa Thịnh Đốn để họp với nhiều viên chức Thái-Mỹ có ảnh hưởng đến hồ sơ của anh như quyền Đại sứ Thái Lan, Chrachai Punkrasin, và các viên chức, Đệ nhất Tham Tán Anintita Vatcharasiritham, Phó phụ tá Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách vùng Á châu Thái Bình Dương, ông Eric John (vài năm sau ông John được đề cử làm Đại sứ Hoa kỳ tại Bangkok) và nhiều dân biểu Liên bang trong Ủy ban Ngoại giao tại Quốc hội Hoa Kỳ như Ed Royce, Chris Smith, và Dana Rohrabacher.

Phòng họp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, tại US Capitol, Washington DC. Từ trái: Dân biểu liên bang Chris Smith (New Jersey), Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher (California), Dân biểu California Trần Thái Văn, nữ viên chức bộ ngoại giao, Phó Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao, đặc trách vùng Á Châu Thái Bình Dương Eric John, viên chức bộ ngoại giao, 7/12/2005
Phòng họp của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, tại US Capitol, Washington DC. Từ trái: Dân biểu liên bang Chris Smith (New Jersey), Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher (California), Dân biểu California Trần Thái Văn, nữ viên chức bộ ngoại giao, Phó Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao, đặc trách vùng Á Châu Thái Bình Dương Eric John, viên chức bộ ngoại giao, 7/12/2005. NGUYÊN PHƯƠNG

Khi đàm phán với các viên chức trên, tôi chia sẻ với họ quan điểm là hồ sơ Lý Tống có tính chất nhân đạo, và lập luận rằng Hoa kỳ không thể tạo một tiền lệ đưa một công dân Hoa kỳ về Việt nam, sau gần 7 năm thọ án ở Thái Lan.

Tôi nhấn mạnh rằng Lý Tống chắc chắn sẽ bị trả thù, bị xét xử không minh bạch, công bằng, vì cả ba ngành lập pháp, tư pháp và hành pháp chỉ là một, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trung tuần tháng 12 năm 2005, chúng tôi ba người, ông Paul Berkowitz, phụ tá về chính sách ngoại giao trong văn phòng của Dân biểu Dana Rohrabacher, người phụ tá lập pháp và tôi, quyết định đi Thái Lan để thăm Lý Tống và trực tiếp vận động với chính quyền Thái Lan, cũng như Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok.

Trước khi gặp Lý Tống, chúng tôi gặp Đại sứ Ralph Boyce, Phó Đại sứ Alex Arvizu, và nhiều viên chức cao cấp trong ̀Tòa Đại sứ Mỹ tại Thái Lan. Đặc biệt, trong bữa ăn trưa, ông Arvizu, với nửa dòng máu Nhật, bày tỏ sự cảm thông với Lý Tống và quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Giới chức ngoại giao Mỹ chia sẻ rằng hồ sơ Lý Tống sẽ được giải quyết “theo kiểu người Thái” và họ khuyên chúng tôi nên dành cho giới hữu trách Thái Lan thêm “không gian” (space) để giải quyết chuyện này một cách nhẹ nhàng, đừng tạo áp lực quá mạnh. Nói chung, giới chức Mỹ rất tin tưởng vào “không gian theo kiểu người Thái”. Họ nói công khai và quả quyết với chúng tôi rằng họ tin Bangkok rồi sẽ từ chối lời yêu cầu dẫn độ Lý Tống về Việt Nam của Hà Nội.

Phòng họp Tòa Đại Sứ Thái Lan tại Washington DC. Từ trái: Ông Paul Berkowitz, Phụ Tá lập pháp về chính sách ngoại giao cho Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher, ông Chrachai Punkrasin, Quyền Đại Sứ Thái Lan tại Washington DC, Dân biểu California Trần Thái Văn, ông Barrett Tetlow, Chánh Văn phòng Địa phương, 7/12/2005
Phòng họp Tòa Đại Sứ Thái Lan tại Washington DC. Từ trái: Ông Paul Berkowitz, Phụ Tá lập pháp về chính sách ngoại giao cho Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher, ông Chrachai Punkrasin, Quyền Đại Sứ Thái Lan tại Washington DC, Dân biểu California Trần Thái Văn, ông Barrett Tetlow, Chánh Văn phòng Địa phương, 7/12/2005. NGUYÊN PHƯƠNG

Về phía chính quyền Thái Lan, chúng tôi gặp nhiều viên chức cao cấp hàng thứ trưởng hoặc giám đốc của các Bộ Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp và Công Tố Viện có liên quan đến hồ sơ Lý Tống. Khi tiếp xúc, họ có thái độ rất lịch thiệp, hiểu biết và ghi nhận đầy đủ sự trình bày và yêu cầu của chúng tôi.

Tuy nhiên, họ không đưa ra một lời hứa hẹn nào, ngoại trừ sẽ đối xử với Lý Tống một cách công bằng và nhân đạo.

Vì muốn công khai hóa cuộc vận động vừa chính trị, vừa nhân đạo, chúng tôi đồng ý để cho nhiều cơ quan truyền thông quốc tế phỏng vấn như Nhật báo “The Nation”, “Bangkok Post”, đài phát thanh Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America) ngay trong khuôn viên của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok.

Nhìn lại sự việc, chúng tôi khá ngạc nhiên là các viên chức trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok đã hậu thuẫn mạnh mẽ và yểm trợ phái đoàn để quảng bá hồ sơ Lý Tống trên hệ thống truyền thông Thái và Mỹ tại Bangkok. Khi dư luận hiểu rõ về động lực chính trị, nhiều tin tức về Lý Tống đã gây nhiều phức tạp cho mối bang giao giữa Hoa kỳ, Thái Lan và cả Việt Nam.

Tòa Đại sứ sắp đặt cho chúng tôi đến nhà tù Klong Prem, cách Bangkok khoảng 30 phút lái xe về hướng Bắc để gặp Lý Tống. Cùng đi với chúng tôi là hai viên chức Hoa kỳ và một thông dịch viên người Thái.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên

Nhà tù Klong Prem có quy chế an ninh tối đa, người vào thăm không được đem theo máy ảnh, máy quay phim hoặc thâu băng. Tuy nhiên “nhất thân, nhì thế”, hai viên chức Tòa Đại sứ đã can thiệp được với viên giám thị nhà tù, và họ đồng ý cho người phụ tá lập pháp của tôi được đem vào nhà tù hai máy chụp hình, một máy thâu âm, nhưng không được mang máy quay phim vì lý do an ninh.

Chúng tôi ngồi đợi tù nhân Lý Tống khoảng 20 phút trong một phòng tiếp tân rộng rãi. Anh bước vào phòng trong đồng phục nhà tù mầu nâu hồng, đeo kính đen “ngầu”, đầu đội nón lưỡi trai ngược, chân không dép, trông ngạo mạn một cách tự nhiên. Anh tươi cười chào hỏi mọi người và siết tay tôi thật lâu. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội đối diện với Lý Tống.

Phòng tiếp tân tại Trại tù Klong Prem, Bangkok, Thái Lan. Từ trái: Viên chức lãnh sự Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, Lý Tống, thông dịch viên người Thái của Toà Đại Sứ, cảnh sát trại tù Thái, DB California Trần Thái Văn, ông Paul Berkowitz, Phụ Tá lập pháp về chính sách ngoại giao cho Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher (12/2005)
Phòng tiếp tân tại Trại tù Klong Prem, Bangkok, Thái Lan. Từ trái: Viên chức lãnh sự Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, Lý Tống, thông dịch viên người Thái của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, cảnh sát trại tù Thái, Dân biểu California Trần Thái Văn, ông Paul Berkowitz, Phụ Tá lập pháp về chính sách ngoại giao cho Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher, tháng 12/2005.
NGUYÊN PHƯƠNG

Trong buổi thăm viếng kéo dài gần hai giờ, một ngoại lệ ít có, hai viên chức Tòa Đại sứ Hoa Kỳ và tôi trình bày đầy đủ chi tiết những nỗ lực vận động với hai chính phủ từ Washington đến Bangkok, nhằm ngưng tiến trình dẫn độ Lý Tống về Việt Nam sau khi mãn tù, những thử thách và dự đoán việc gì sẽ xảy ra cho anh trong tương lai và lịch trình vận động trong những ngày tháng tới.

Lý Tống cho biết có nhiều người đến thăm anh từ Mỹ, nhất là các chiến hữu Không quân, anh xem đó là niềm an ủi trong cảnh tù tội.

Thực ra bây giờ tâm trạng của em cũng rất bối rối vì chuyện xảy ra quá bất ngờ nên em không có ý kiến gìLam Hương, bạn thân của Lý Tống nói về vụ tòa Mỹ xử ông tội xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng

Lý Tống còn cho biết thêm đời sống của anh trong tù tương đối thoải mái và sung túc. Ngày nào cũng có người đưa thức ăn theo ý muốn. Anh có phòng riêng, nhờ vả cai tù giúp đỡ mọi việc khi cần. Anh không ngần ngại cho biết có rất nhiều người muốn vào thăm, nhưng đôi lúc anh từ chối tiếp. Anh nói đã từ chối nhiều lần không ra gặp các viên chức của Tòa Đại sứ Mỹ.

Cuộc đối thoại giữa Lý Tống với chúng tôi được ghi âm công khai. Tôi hỏi lại anh nhiều lần về ý định của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, nếu được trả về Mỹ, anh có đồng ý tuân theo những quy luật của chính phủ Hoa Kỳ như bị tịch thu giấy thông hành Mỹ để xuất ngoại. Lý Tống không có sự chọn lựa nào khác, anh hoàn toàn đồng ý với dự kiến của chính phủ Hoa Kỳ, ngoại trừ việc cấm di chuyển bằng máy bay trong nội địa.

Điều làm chúng tôi khá bất ngờ là Lý Tống dường như không muốn nghe những gì chúng tôi trình bày. Anh thao thao bất tuyệt, lập đi, lập lại biện minh trạng của anh trước tòa. Anh kể đã đuổi hết luật sư người Thái và Mỹ, để tự mình bào chữa trước vành móng ngựa. Anh quả quyết mình hoàn toàn vô tội, khăng khăng muốn được sửa tội cướp máy bay thành tội chống cộng sản và tranh đấu tự do và dân chủ cho Việt nam, một hành vi chính trị.

Một ‘hồ sơ’ khó

Lý Tống nhất định muốn chúng tôi làm theo ý của anh. Anh đòi hỏi chúng tôi phải đưa một thông dịch viên tòa án, bà Suthathif, qua Hoa kỳ để điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ về sự vô tội của anh, một điều khó có thể xẩy ra vì anh đã bị kết án.

Theo lời yêu cầu của Lý Tống, tôi đã nhờ một người bạn, Luật sư Trịnh Hội, lúc ấy đang công tác tại Thái Lan, liên lạc với bà Suthathif và đến thẳng nhà bà để hội ý xem bà có đồng ý đi Hoa Kỳ làm nhân chứng cho Lý Tống không. Bà Suthathif là người thông dịch tòa án giữa Quan tòa, Luật sư và Lý Tống. Bà không muốn đi Mỹ điều trần vì không thấy mình có thể đem lại lợi ích nào, trong khi làm thế có thể gây bất lợi an ninh cho mình, nên bà từ chối hợp tác với Lý Tống.

Lý Tống trình bày về hồ sơ của mình với phái đoàn của Dân biểu California Trần Thái Văn tại phòng tiếp tân của Trại tù Klong Prem, Bangkok, Thái Lan. 12/2005
Lý Tống trình bày về hồ sơ của mình với phái đoàn của Dân biểu California Trần Thái Văn tại phòng tiếp tân của Trại tù Klong Prem, Bangkok, Thái Lan. 12/2005. NGUYÊN PHƯƠNG

Lý Tống còn yêu cầu tôi, sau khi về lại Mỹ, nên kêu gọi 15,000-20,000 đồng hương đi lên Washington biểu tình, áp lực chính phủ Hoa Kỳ, buộc Thái Lan phải trả anh về Mỹ, thay vì dẫn độ về Việt Nam, một lời yêu cầu không thực tế, rất khó thực hiện. Thấy tình trạng thảo luận căng thẳng, ông Paul Berkowitz nói vào “Let’s see, what we can do” như một hình thức ngoại giao, một lời trấn an rất lịch sự, để chấm dứt lời đòi hỏi quá đáng của Lý Tống.

Nhân dịp này, tôi muốn có đôi hàng về ông Paul Berkowitz, một người có máu can trường với nhiều huyền thoại dũng cảm được chính giới biết đến tại Hoa Thịnh Đốn.

Một huyền thoại về Paul Berkowitz là ông từng đưa Dân biểu Dana Rohrabacher sang Afghanistan, sát cánh với quân chính phủ, cầm súng chống lại phiến quân “Taliban”. Một lần khác, ông Berkowitz liều mạng, lái mô tô một mình trong hai ngày đường đầy cát bụi trên xa mạc khô cằn, dọc đường có thể bị phục kích bất ngờ để, đến gặp một lãnh tụ người Afghanistan, ông Hamid Karzai, cho một sứ mạng đặc biệt, sau này ông Karzai trở thành Tổng thống Afghanistan và được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ trong nhiều năm.

Trở lại với chuyện của Lý Tống, ngoài những yêu cầu trên, anh còn phàn nàn với phái đoàn rằng Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không can thiệp đủ mạnh mẽ cho anh, và chê trách các viên chức ngoại giao làm việc không có hiệu quả.

Một chi tiết gây nhiều ấn tượng nhất cho chúng tôi trong chuyến đi là việc Lý Tống bất thình lình chỉ tay thắng vào mặt thông dịch viên gốc Thái, nói bằng tiếng Mỹ: “Chỉ có ông thông dịch người Thái này là người có nhiều ảnh hưởng nhất trong Tòa Đại sứ, chứ không phải mấy ông Mỹ kia!”

Lời phát biểu bộc trực của Lý Tống làm mất mặt hai viên chức ngoại giao và khiến chúng tôi cũng rất ngượng với những người công khai giúp đỡ, sắp đặt cho chúng tôi có thể đến gặp giới chức cao cấp của Thái một cách dễ dàng vào thời điểm đó. Hai ông rất ngạc nhiên về lời phát biểu của Lý Tống, và hỏi lại lời nói của anh có ý nghĩa gì?

Lý Tống giải thích rằng, các viên chức ngoại giao Hoa kỳ đến và đi sau ba năm công tác. Họ chỉ làm việc cho qua ngày, sau nhiệm kỳ lại thuyên chuyển đi nơi khác. Một thực tế không thể tránh được trong ngành ngoại giao.

Lý Tống nói thêm, ông thông dịch viên người Thái đã tiếp xúc với anh từ ngày anh vào tù cho đến hôm nay. Ông này đã mọc rễ ở nhà tù, hiểu biết hồ sơ và tiếp xúc với anh thường xuyên trong gần 6 năm qua.

Chúng tôi hiểu và thông cảm cho Lý Tống là sau thời gian dài, gần 6 năm lao lý, tinh thần anh có chút bi quan. Anh đã tiếp xúc với nhiều giới chức ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm anh định kỳ tại nhà tù Klong Prem, nhưng chưa có được kết quả theo ý muốn.

Tôi hứa sẽ tiếp tục, cố gắng can thiệp, giúp anh trong khả năng. Lý Tống cám ơn chúng tôi và tỏ ra biết ơn phái đoàn đã bỏ công sức, thì giờ vận động với hai chính phủ Hoa Kỳ và Thái Lan, cũng như đến thăm anh trong tù.

Từ cuối năm 2005 đến tháng Tư năm 2006, tôi thường xuyên liên lạc với nhiều viên chức cao cấp trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan. Đặc biệt, Phó Đại sứ Arvizu, người có cảm tình với Lý Tống, luôn gửi điện thư cho tôi biết những tiến triển pháp lý và những nỗ lực của Hà Nội trong việc đòi dẫn độ Lý Tống về Việt Nam sau khi anh mãn án vào năm 2007.

Vào cuối tháng Ba, năm 2006, tôi nhận được một điện thư khẩn với nội dung bi đát từ Luật sư Brian Pearce, tùy viên pháp lý của tòa đại sứ Hoa Kỳ, là Công tố viên Thái Lan quyết định tiến hành đơn xin Tòa Thượng thẩm Thái Lan cho phép dẫn độ Lý Tống về Việt Nam.

Đây là tin tệ hại cho Lý Tống và gây bàng hoàng cho cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Đến Bangkok lần thứ hai

Trong tình thế cấp bách, lúc đó tôi và người phụ tá lập pháp đang công du ở Nam Hàn, đã quyết định trở lại Bangkok vào trung tuần tháng Tư năm 2007. Thời điểm này là mùa Phục sinh và Hạ viện Tiểu bang đang nghỉ họp mùa Xuân (Spring Break), khá thuận tiện cho tôi bay từ Seoul qua Bangkok để khẩn giúp Lý Tống thêm vài ngày.

Lần thứ hai đến Bangkok, tôi thấy tình hình khá nghiêm trọng và bi quan sau khi họp với nhiều viên chức tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Phó Đại sứ Arvizu chia sẻ những biến chuyển mới nhất tại tòa án đang thụ lý hồ sơ của Lý Tống. Tòa Đại sứ cũng theo dõi rất sát vụ kiện và họ đã được Công tố viên Thái Lan thông báo sẽ nộp đơn xin dẫn độ Lý Tống về Việt Nam.

Tuy nhiên, Luật sư Pearce bổ túc là Lý Tống sẽ có nhiều cơ hội chống lại và kháng án nếu phán quyết bất lợi cho Lý Tống tại Tòa Hình sự Thái Lan.

Chúng tôi yêu cầu gặp lại các viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao và Văn phòng Công tố Viên Thái Lan một lần nữa, để yêu cầu các viên chức Thái Lan có thẩm quyền xét lại quyết định dẫn độ Lý Tống.

Tôi nhớ lúc đó đã tự nhủ mình bỏ công hai lần đến Bangkok để nói hết những điều cần nói và nêu sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng mình đến với cả hai chính phủ Mỹ và Thái Lan. Còn quyền quyết định số mạng của Lý Tống nằm trong tay của Công tố viên, Tòa Thượng thẩm Thái Lan và của cả Thượng đế nữa.

Trước khi kết thúc buổi họp, vị Tổng Giám đốc Văn phòng Công Tố Viên Thái Lan, luật sư Khun Viraporn tặng cho tôi hai tập sách mầu xanh về bộ luật quốc tế do Bộ tư Pháp Thái ấn hành. Bộ sách trình bầy về thủ tục trục xuất và dẫn độ một tù nhân của Thái Lan cho đệ tam quốc gia. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy hai tập sách này được in bằng Anh ngữ. Tôi thầm nghĩ có lẽ ông muốn khéo léo cho tôi biết là Thái Lan có luật lệ rõ ràng, được dịch ra Anh ngữ, để thế giới biết Thái Lan không chậm tiến như một số người Mỹ nghĩ.

Ngay hôm sau, tôi được Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đưa đi thăm Lý Tống. Anh đã được chuyển sang một trại tù dành cho những tù nhân sắp bị trục xuất khỏi Thái Lan.

Gặp lại Lý Tống sau năm tháng, tôi nhận thấy sắc diện anh sa sút. Trên sống mũi có vết thương còn đeo băng. Lần này anh phải đứng sau song sắt để nói chuyện. Tôi hỏi về thương tích, anh cho biết bị một người tù khác “phục kích” đánh gẫy sống mũi trong lúc anh đang tắm. Anh phàn nàn rằng quy chế của nhà tù mới khó khăn và kỷ luật hơn.

Trò chuyện lần này, tôi không còn thấy Lý Tống có “khí thế hiên ngang” như trước. Anh thổ lộ là “gần như tuyệt vọng”, kêu gọi tôi “Văn cố gắng giúp anh, anh giờ như cá nằm trên thớt…”

Một kết thúc ‘kiểu người Thái’

Sau gần một năm liên tục vận động, đầu tháng Tư năm 2017, tôi nhận được tin Tòa Kháng án Thái Lan đồng ý phóng thích Lý Tống về Hoa Kỳ.

Tin Lý Tống được trả tự do, được đoàn tụ với gia đình, sau gần 7 năm tù đầy (một giá khá đắt) đi nhanh. Cộng đồng vui mừng cho anh thoát nạn, không bị dẫn độ về Việt Nam.

Phòng tiếp tân tại Trại tù Klong Prem, Bangkok, Thái Lan. Từ trái: Ông Paul Berkowitz, Phụ Tá lập pháp về chính sách ngoại giao cho Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher, Lý Tống, Anh Ly Tong, Dân biểu California Trần Thái Văn, Viên chức lãnh sự Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, thông dịch viên người Thái của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, ông Anthony Tranchina, Viên chức đặc trách chính trị và nhân quyền tại Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, Bangkok. 15/12/2005
Phòng tiếp tân tại Trại tù Klong Prem, Bangkok, Thái Lan. Từ trái: Ông Paul Berkowitz, Phụ Tá lập pháp về chính sách ngoại giao cho Dân biểu liên bang Dana Rohrabacher, Lý Tống, Anh Ly Tong, Dân biểu California Trần Thái Văn, Viên chức lãnh sự Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok, thông dịch viên người Thái của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, ông Anthony Tranchina, Viên chức đặc trách chính trị và nhân quyền tại Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, Bangkok. 15/12/2005. NGUYÊN PHƯƠNG

Tôi cũng thấy ấm lòng vì chính phủ Thái Lan, qua hệ thống tòa án của họ đã thông hiểu, cảm nhận được những việc làm của Lý Tống có thể vi phạm luật hình sự của Thái, nhưng vẫn có phần chính nghĩa và lý do chính đáng trong mục tiêu tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền cho hơn 90 triệu người dân Việt tại quê nhà.

Thời gian như gió thoảng. Cuộc vận động cho Lý Tống xảy ra cách đây đã 13, 14 năm.

Ôn lại kỷ niệm những ngày tháng đó, tôi chợt nhớ đến lời trấn an của Đại sứ Ralph Boyce, một nhà ngoại giao kỳ cựu tại Đông Nam Á. Lời nói của ông còn vang vang trong ký ức tôi, rằng họ giải quyết hồ sơ Lý Tống “theo kiểu người Thái”.

Quả thật cách giải quyết trường hợp Lý Tống của người Thái thật tế nhị. Về phía Hoa Kỳ, cộng đồng Việt tại hải ngoại và chúng tôi hài lòng với kết quả thuận lợi cho Lý Tống. Còn với Thái Lan, các Bộ Ngoại giao, Tư pháp và Nội vụ nhẹ nhõm thở phào với Hà Nội, là họ đã làm hết sức của họ. Tòa án thả Lý Tống về Mỹ là chuyện của Tòa án, các cơ quan hành pháp Thái được rửa tay sạch sẽ. Chỉ riêng Hà Nội cay cú, hụt bắt con cá lớn Lý Tống.

Nghe tin Lý Tống qua đời, bâng khuâng nghĩ đến anh, tôi liên tưởng đến vần thơ của Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm“, và cũng buồn thay cho anh, đám tang của anh bị chính trị và thương mại hóa, gây nhiều tranh cãi trong lúc anh cần yên nghỉ.

Giờ này dưới nấm mộ sâu, tôi hy vọng Lý Tống được an giấc ngàn thu với sự ngưỡng mộ trong lòng nhiều người.

—-

Luật sư Trần Thái Văn, cựu dân biểu tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Nguồn: BBC

Bài Khác