Con trai ‘kẻ đào tẩu nổi tiếng Nam Hàn’ bỏ chạy sang Bắc Hàn

Con trai ‘kẻ đào tẩu nổi tiếng Nam Hàn’ bỏ chạy sang Bắc Hàn

Choe In-guk
Image captionCha mẹ ông Choe In-guk là những trường hợp đào tẩu nổi tiếng nhất chạy từ Nam Hàn sang Bắc Hàn

Con trai của những người đào tẩu nổi tiếng người Nam Hàn được cho là đã tới Bắc Hàn.

Đây là một vụ hiếm hoi, khi có người muốn tìm đến sống dưới chế độ Bình Nhưỡng.

Choe In-guk là con trai của cựu ngoại trưởng Nam Hàn, người đã cùng vợ chạy sang miền Bắc hồi năm 1986.

Theo truyền thông nhà nước Bắc Hàn, kẻ đào tẩu mới sẽ sống tại miền Bắc và làm việc trong mảng công việc thống nhất Triều Tiên.

Việc đào tẩu theo kiểu này rất hiếm khi xảy ra.

Thường thì chủ yếu là người từ Bắc Hàn tìm cách chạy sang miền Nam.

Hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, và người Nam Hàn phải được cấp phép nếu muốn sang thăm Bắc Hàn.

Bộ Thống nhất của Nam Hàn xác nhận ông Choe đã không xin phép được đi Bắc Hàn.

Kim Jong-un
Image captionĐa phần mọi người chạy từ Bắc Hàn sang Nam Hàn so với việc đi theo chiều ngược lại

“Hiện chưa rõ đích xác là việc ông ấy đào tẩu đã diễn ra như thế nào,” Oliver Hotham từ trang tin NK News ở Seoul nói với BBC.

“Nhưng việc một người Nam Hàn sang Bắc Hàn thì cũng khá là đơn giản nếu như họ được chế độ đó cho phép đi qua ngả Trung Quốc.”

Tuy nhiên, nếu như ông Choe vi phạm luật Nam Hàn khi không xin phép chính phủ nước mình thì ông có thể sẽ bị bắt giữ nếu trở về miền Nam, các chuyên gia nói.

Choe In-guk là ai?

Ông Choe là công dân Nam Hàn, năm nay 73 tuổi. Người ta không có mấy thông tin về đời sống cá nhân cũng như quan điểm chính trị của ông. Ông có vợ và con gái sống tại miền Nam.

Tuy nhiên, cha mẹ ông là những người Nam Hàn nổi tiếng nhất chạy sang miền Bắc kể từ khi kết thúc Cuộc chiến Triều Tiên.

Việc ông Choe tới Bình Nhưỡng được truyền thông Bắc Hàn tường thuật, với cảnh ông được các viên chức Bắc Hàn chào đón nồng nhiệt.

Ông được dẫn lời trên trang web tuyên truyền của Bắc Hàn, Uriminzokkiri, theo đó ông nói: “Được sống ở bên trong và được đi theo một đất nước tôi biết ơn là con đường để bảo vệ ý nguyện cha mẹ tôi để lại.”

“Cho nên tôi đã quyết định sống lâu dài tại Bắc Hàn, dẫu cho có muộn màng.”

Các kênh báo đài Nam Hàn tường thuật rằng ông Choe không có một cuộc sống dễ dàng gì ở miền Nam, và đã phải chống chọi với vết nhơ là “con trai của kẻ phản bội”.

Tin tức nói ông đã đổi việc nhiều lần, và sống nhờ vào số tiền mẹ ông gửi từ Bắc Hàn về cho tới tận trước khi bà qua đời, 2016.

Ông Choe thường xuyên đi tới Bắc Hàn trong những năm gần đây, và đã tới dự đám tang mẹ mình tại đó.

Cha mẹ ông là ai?

Cha ông, ông Choe Tok-sin, từng làm ngoại trưởng Nam Hàn trong thời thập niên 1960.

Hồi thập niên 1970, ông di cư sang Mỹ, nơi ông trở thành một người chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Nam Hàn, khi đó đang dưới thời lãnh đạo của nhà quân phiệt Park Chung-hee.

Bắc Hàn hạn hán nặng nề nhưng dân ‘hầu như không biết’

Khoảng mười năm sau đó, vào 1986, ông xuất hiện trên các hàng tin chính với việc bỏ chạy sang miền Bắc cùng vợ, bà Ryu Mi-yong. Họ để lại năm người con đã trưởng thành ở miền Nam.

Cả hai ông bà đã trở thành thành phần trong tầng lớp ưu tú cao cấp trong quốc gia mới. Ông Choe Tok-sin qua đời năm 1989, và bà Ryu Mi-yong đảm nhận vai trò của ông, làm nhà lãnh đạo của một phái tôn giáo. Bà cũng đảm nhận các vị trí khác nữa.

Gia đình họ có mối quan hệ lâu bền với giới lãnh đạo Bắc Hàn.

Ông nội của ông Choe In-guk được biết đến là người thầy của ông Kim Nhật Thành, nhà sáng lập Bắc Hàn, trong thời gian đấu tranh chống lại sự cai trị của Nhật Bản.

Việc đào tẩu xảy ra có phổ biến không?

Những người đào tẩu trên bán đảo Triều Tiên thường là các công dân miền Bắc tìm cách chạy sang miền Nam. Việc đi theo chiều ngược lại rất hiếm khi xảy ra.

Seoul nói có hơn 30 ngàn người Bắc Hàn vượt biên bất hợp pháp kể từ khi kết thúc Cuộc chiến Triều Tiên vào năm 1953 cho tới nay.

Theo các số liệu thống kê của Nam Hàn, con số này đã giảm xuống trong những năm gần đây. Có 1.127 vụ đào tẩu trong năm 2017, so với 2.706 trong năm 2011.

Trong một số trường hợp, các binh lính đi bộ vượt biên, mà thường là phải di dưới làn đạn.

Hầu hết bỏ chạy qua ngả Trung Quốc, quốc gia có đường biên giới dài nhất với Bắc Hàn. Cách đi này dễ hơn so với việc vượt qua Khu Phi Quân sự (DMZ) phân cách hai miền Triều Tiên, nơi được canh gác cẩn mật.

Trung Quốc coi những người đào tẩu là các di dân bất hợp pháp thay vì là người tị nạn, và thường buộc họ phải trở về.

Việc đào tẩu từ miền Nam sang miền Bắc rất hiếm xảy ra và thường có liên quan đến cái gọi là “những kẻ đào tẩu kép” – những người đầu tiên thì chạy khỏi Bắc Hàn để sang Nam Hàn, rồi sau lại quay trở về miền Bắc.

Việc đào tẩu xảy ra phổ biến hơn trước khi xảy ra nạn đói kinh hoàng, sự kiện được cho là đã giết chết hàng trăm ngàn người tại Bắc Hàn trong thời gian giữa thập niên 1990.

Bài Khác