Cái Tôi và Sự Hiểu Biết

Chuly sưu tầm

Cái Tôi và Sự Hiểu Biết

Mới đây, một ông bạn có gởi cho tôi một bài viết của tác giả Từ Thức, bên Pháp. Bài viết khiến tôi phải giật mình và nhìn lại bản thân để tự vấn lương tâm.

Với tựa đề “Cái Tôi của người Việt”, tác giả xem ra khẳng định một cách chắc nịch rằng người Việt là một dân tộc kiêu căng. Tác giả mở đầu bài viết với nhận xét:

“Tôi gặp không biết bao nhiêu người (Việt) vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân.Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khàn cổ: tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế? Một lần ngồi nhậu với 5 ông, có cảm tưởng ngồi với 5 giải Nobel văn chương. Những ông như vậy, nhan nhản”.

Tác giả nêu một câu hỏi đáng suy nghĩ:

“Phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm?”

Tôi nghĩ nếu xem đó là nét đặc thù của mấy ông cộng sản Việt Nam thì chẳng sai chút nào. Rước voi về dày mả tổ, chém giết đồng bào ruột thịt của mình không chút xót thương, vậy mà sau đó vẫn có thể ưỡn ngực tự xưng là “lương tâm nhân loại”, “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Kiêu căng như thế thì còn gì lố bịch bằng. Nay từ hố sâu của nghèo nàn, lạc hậu mới ngoi lên được một chút, làm gì cũng muốn được đưa vào các kỷ lục thế giới của sách “Guinness Book of World Records”, tiến sĩ thì chạy đầy đường.

Nhưng chắc chắn 3 triệu đảng viên cộng sản Việt Nam không hề là đại diện của cả dân tộc Việt Nam.

Trong quan hệ với người đồng hương, ở trong nước cũng như tại hải ngoại, tôi cũng có gặp một số người “nổ” như mấy ông việt cộng .

Nhiều người khoe khoang một cách lố bịch, ngây ngô và ấu trĩ. Nghe họ “nổ” chỉ biết cười và chửi thầm trong bụng!

Nhưng dĩ nhiên, không phải tất cả mọi người Việt tôi quen biết hay tiếp xúc đều như vậy cả. Từ một vài trường hợp hoặc rất nhiều trường hợp đi nữa để quơ đũa cả nắm là một lý luận không nghiêm chỉnh.

Thời Pháp thuộc, trên báo Đông Dương Tạp Chí, trong một số ra năm 1914, cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã từng đưa ra một nhận xét về người Việt:

“An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng cười, mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”.

Xem ra “cái gì cũng cười” có thể là một nét chung của người Việt hơn là thói kiêu căng.

Theo tôi, ở đâu và thời nào cũng có người khiêm cung và kẻ kiêu căng cả. Chỉ nhìn vào một mình ông Donald Trump và gần một nửa dân số Mỹ bầu ông lên làm tổng thống hoặc chỉ dựa một số khẩu hiệu như “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà bảo rằng người Mỹ là một dân tộc kiêu căng…là một kết luận vội vàng, không chín chắn.

Nhưng bảo rằng ông Trump là một con người kiêu căng, thích khoe mẽ là điều chẳng sai chút nào. Kiêu căng và kiêu căng một cách lộ liễu là một nhược điểm. Ứng cử viên Trump đã thu hút được nhiều cử tri Mỹ nhờ tính bạo mồm bạo miệng và tật “nổ” văng miểng của ông. Nhưng đó cũng là một thứ gậy ông đập lưng ông đối với ông.

Tuần qua, Ủy ban điều tra về việc “thông đồng” giữa ban vận động của ứng cử viên Donald Trump và Nga do công tố viên đặc biệt Robert Mueller lãnh đạo, đã cho công bố danh sách của một số cố vấn của ông Trump có dính líu đến vụ này. Trong 3 nhân vật được nêu dích danh và bị truy tố, đáng chú ý hơn cả là ông George Papadopoulos, cố vấn về chính sách ngoại giao của ứng cử viên Trump. Hồi tháng trước, ông này đã nhận tội man khai với Cơ quan Điều tra Liên bang FBI và hiện đang tích cực hợp tác với Ủy ban điều tra của ông Mueller. Một bức hình được công bố cho thấy trong một cuộc họp hồi năm 2016 do ông Trump chủ tọa, ông Papadoulos có mặt trong hàng ngũ “bộ sậu” của ông Trump.

Theo tài liệu vừa được cho công bố, ngày 5 tháng Mười 2017 vừa qua, ông Papadoulos đã nhận tội khai man với cơ quan FBI về việc ông có tiếp xúc với người Nga để lấy hồ sơ mật về bà Hillary Clinton mà Nga đã đánh cắp được.

Tổng thống Trump là người thích khoe về đủ thứ thành tích của mình. Nào ông là một người rất thông minh. Nào ông đã từng là một sinh viên xuất sắc. Nào ông là một tổng thống trong năm đầu của nhiệm kỳ đã lập được nhiều thành tích hơn bất cứ tổng thống nào. Nhứt là mới đây, ông đã “nổ” rằng ông là “một trong những người có trí nhớ vĩ đại nhứt từ trước tới nay”.

Vậy mà sáng thứ Sáu vừa qua, trong lúc chuẩn bị lên đường thực hiện chuyến công du kéo dài 12 ngày tại Á Châu, khi được các phóng viên hỏi ông có nhớ về cuộc họp với ông Papadoulos không và ông này là ai, tổng thống Trump tỉnh bơ trả lời: “Tôi không nhớ nhiều về cuộc họp đó. Đó là một cuộc họp rất không quan trọng. Cuộc họp đó diễn ra lâu lắm rồi. Tôi không nhớ nhiều về cuộc họp”.

Thật tội nghiệp cho ông Papadoulos. Dạo tháng Ba vừa qua, nghĩa là chỉ cách đây không đầy 8 tháng, trong một cuộc gặp gỡ với ban chủ bút của báo The Washington Post, Tổng thống Trump nhìn nhận rằng ông Papadoulos đã từng là một cố vấn về chính sách ngoại giao trong cuộc vận động bầu cử. Vậy mà khi nội vụ đổ bể ra, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders nói rằng ông Papadoulos là người chỉ đóng một vai trò không đáng kể trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump. Một cố vấn thân cận khác của tổng thống Trump còn mỉa mai rằng ông Papadoulos chỉ là một tên lon ton(planton) chỉ để sai vặt và pha cà phê.

Riêng Tổng thống Trump, trong một “tuýt” được bắn đi sáng thứ Ba tuần qua, đã viết:

“Rất ít người biết thiện nguyện viên trẻ, ít quan trọng tên là George”(tức Papadoulos).

Tôi vẫn cố gắng làm “trạng sư của quỷ” để biện hộ cho việc Tổng thống Trump không còn nhớ rõ cuộc họp của “bộ sậu” của ông chỉ mới diễn ra cách đây hơn một năm. Làm tổng thống Mỹ và lãnh đạo cả thế giới, đa đoan với không biết bao nhiêu chuyện, nếu không có người bên cạnh để nhắc nhở, thì làm sao nhớ hết mọi chuyện, mọi người và mọi chi tiết được. Vả lại, quên sót là giới hạn thường tình của con người thôi. Nhưng khổ nỗi, làm trạng sư không công như tôi khó mà thắng nổi trong trường hợp ông Trump, bởi vì ông đã lỡ tuyên bố mình là “một trong những người có trí nhớ vĩ đại nhứt từ trước tới nay”. Tự nhiên, cứ nghĩ tới thái độ huênh hoang, tự đắc của ông, tôi lại nhớ đến nhận xét của vợ một người bạn của tôi. Ông bạn tôi là người thích bông đùa. Cứ sau một lần giễu cợt của ông, bà vợ lại kê tủ đứng vào miệng ông: “Thùng bể kêu to!”

Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó một bài học về thái độ từ tốn khiêm cung mà một người cha muốn dạy cho cậu con trai của mình. Một hôm hai cha con đang đi trên một đoạn đường vắng lặng. Người cha hỏi cậu con:

“Ngoài tiếng chim đang hót ra, con còn nghe được tiếng gì khác không?”

Người con dừng lại, lắng tai một lúc rồi trả lời:

“Thưa cha, con nghe có tiếng xe ngựa nữa”.

Người cha liền nói:

“Đúng vậy. Đó là tiếng động của một chiếc xe ngựa trống không, nghĩa là không có chuyên chở gì cả”.

Người con ngạc nhiên hỏi lại:

“Nhưng mình chưa nhìn thấy chiếc xe ngựa mà. Sao cha biết đó là một chiếc xe ngựa trống rỗng?”

Người cha mới ôn tồn giải thích:

“Từ âm thanh dội lại, con có thể biết đó là một chiếc xe ngựa trống không. Xe ngựa càng trống rỗng thì tiếng động càng to”.

Về sau, khi ra đời, mỗi khi nhìn và đánh giá về người khác, người con trai thường nhớ lại nhận xét và bài học của người cha.

Thiên nhiên cũng cho tôi nhiều bài học như thế. Ai đó cũng đã đưa ra một nhận xét: sông càng sâu thì càng tĩnh lặng, nhánh lúa càng trĩu nặng thì càng cúi đầu. Người càng học cao hiểu rộng và giàu những giá trị tinh thần thì càng từ tốn, khiêm cung; trái lại, kẻ càng nông cạn thì càng khoe khoang.

Tác giả Từ Thức có ghi lại cuộc sống âm thầm của một cặp vợ chồng già sống bên cạnh nhà ông ở Paris. Theo nhận xét của tác giả, hai ông bà sống trong một ngôi nhà bình dân, ăn uống đạm bạc như một cặp vợ chồng nghèo. Nếu không được mách bảo thì chẳng có ai biết đó là một cặp vợ chồng nổi tiếng trong thế giới âm nhạc. Bà vợ tùng là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng, đã từng đoạt 7 giải nhứt khi còn học ở nhạc viện Paris và về sau trở thành một giáo sư âm nhạc được nhiều người biết đến. Còn ông là một trong những nhạc sư và nhà soạn nhạc cổ điển lớn nhứt của hậu bán thế kỷ 20. Cả hai đều là những nhân vật đã từng chiếm một địa vị quan trọng trong bất cứ một tài liệu âm nhạc cổ điển nào. Vậy mà họ vẫn có thể sống một cách âm thầm như một cặp vợ chồng già ít được ai chú ý tới.

Albert Einstein thường được gán cho những câu hỏi có hàm ý nói đến cái ngu dốt vô tận của con người và đề cao sự khiêm tốn. Có người bảo ông đã từng nói:

“Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to.”

Hiểu cho rộng ra, hiểu biết đích thực không chỉ có nghĩa là thu thập hay nhét vào đầu một số kiến thức, mà trước tiên chính là biết mình. Với nhà hiền triết Socrates, ông tổ của triết học Tây phương, biết đích thực là biết mình và biết mình ngu. Đông Tây đã gặp nhau, bởi vì minh triết Đông phương cũng nói rằng càng học càng thấy mình ngu. Thật ra ngu như thế là ngu khôn. Ngu như thế, theo Phật Giáo, chính là giác ngộ.

Một hôm có một giáo sĩ Bà La Môn bắt gặp Đức Phật đang ngồi thiền dưới một gốc cây. Ông rất đỗi ngạc nhiên về sự thanh thản và bình tâm của Đức Phật. Hình ảnh này khiến vị giáo sĩ Bà La Môn nhớ lại một thần voi có chiếc ngà lớn. Ông liền hỏi Đức Phật:

“Ngài có phải là một vị thần, một thiên thần hay một thần linh không?”

Đức Phật trả lời không, rồi giải thích rằng Ngài chỉ là một người chứng tỏ được một sức mạnh mới trong con người. Theo Đức Phật, con người vẫn có thể sống trong thế giới đầy xung đột và khổ đau này mà vẫn có thể đi vào quan hệ hài hòa với người khác nếu biết dẹp bỏ cái tôi của mình. Rồi Ngài nói với vị giáo sĩ Bà La Môn, “xin hãy nhớ đến tôi như một người đã tỉnh ngộ” (x. Karen Armstrong, The Case for God, The Bodley Head, London 2009, trg 316).

Tôi vẫn tự nhận mình là một Phật tử. Dĩ nhiên theo cách thế riêng của tôi, bởi vì tôi chưa từng xuống tóc, quy y, mặc áo cà sa, đi lễ chùa, ăn chay hoặc cúng dường…Tôi chỉ biết rằng mình phải luôn cố gắng sống lời Đức Phật dậy: dẹp bỏ cái tôi kiêu căng, khoác lác để có được quan hệ hài hòa với mọi người và nhờ vậy thân tâm mới an lạc.

Chu Thập

Bài Khác