Các tổ chức dân sự kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn bỏ phiếu thông qua FTA với Việt Nam

Các tổ chức dân sự kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn bỏ phiếu thông qua FTA với Việt Nam

RFA
2019-01-18

Hình minh họa. Phiên tòa xét xử các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018

 AFP

18 tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam hôm 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự thương mại với Việt Nam (EVFTA) vì những lo ngại về tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam.

Bức thư bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng chính phủ Việt Nam đã lờ đi những lời kêu gọi từ phía Quốc Hội Châu Âu thời gian qua liên quan đến tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ ở Việt Nam, đặc biệt là việc Luật An ninh mạng gặp nhiều chỉ trích của Việt Nam đã đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019 vừa qua.

“Bất chấp là một thành viên của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam có một bộ luật hình sự đàn áp nhất trong khu vực, với các điều khoản lỏng lẻo thường xuyên được dùng để bỏ tù những người có tiếng nói chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa, những bloggers, những nhà hoạt động vì quyền của người lao động, hoạt động môi trường, bảo vệ nhân quyền và các lãnh đạo tôn giáo”, bức thư viết.

Bức thư cũng chỉ trích chính phủ Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ báo chí, kiểm duyệt internet, không cho phép các tổ chức của người lao động độc lập được hoạt động, và chưa bao giờ tổ chức một cuộc bầu cử thực sự tự do, công bằng.

Những tổ chức gửi thư đề nghị Quốc hội Châu Âu hoãn việc bỏ phiếu EVFTA và sử dụng các hoạt động tương tác sắp tới bao gồm cuộc họp Bộ trưởng EU – ASEAN và Kiểm điểm định kỳ ở UN, cũng như đối thoại nhân quyền giữa EU – Việt Nam để đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho một loạt những nhà hoạt động, bloggers đang bị cầm tù. Con số này được bức thư ước tính là hơn 100 người.

Ngoài ra, các tổ chức này cũng đề EU phải yêu cầu Việt Nam có những thay đổi trong bộ luật Hình sự, tố tụng hình sự, luật an ninh mạng, luật tôn giáo và luật lao động để cho phép sự hòa động của các tổ chức công đoàn độc lập; ký Nghị định thư tùy chọn về Công ước chống Tra tấn; chấm dứt các hình phạt tử hình.

Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán EVFTA từ năm 2015. Hai phía hy vọng hiệp định này sẽ sớm được Quốc hội Châu Âu thông qua trong thời gian tới để có thể đi vào hiệu lực. Tuy nhiên hôm 13/11 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến.

Vào ngày 21/1 tới đây, tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Việt Nam sẽ có cuộc Kiểm điểm định kỳ. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ có báo cáo tại đây về tình trạng nhân quyền thời gian qua ở Việt Nam.

Hôm 17/1/2019, Human Rights Watch, tổ chức vừa tham gia ký thư gửi Quốc hội Châu Âu, đã công bố phúc trình toàn cầu 2019, chỉ trích chính quyền Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2018. Theo HRW, trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã kết án ít nhất 42 người vì bày tỏ ý kiến chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ.

Bài Khác