Bộ Tài Nguyên CSVN cho Thép Hòa Phát nhận chìm 15 triệu mét khối chất thải xuống biển Quảng Ngãi

Bộ Tài Nguyên CSVN cho Thép Hòa Phát nhận chìm 15 triệu mét khối chất thải xuống biển Quảng Ngãi

.

Các nhà thầu thi công nạo vét khu vực cảng biển nhà máy thép Dung Quất. (Hình: Zing)

QUẢNG NGÃI, Việt Nam – Hôm 27 Tháng Hai, nhiều blogger bày tỏ sự giận dữ và lo ngại trước tin Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CSVN đã cấp phép cho tập đoàn Thép Hòa Phát nhận chìm gần 15.4 triệu mét khối “vật chất nạo vét cảng” xuống vùng biển Khu Kinh Tế Dung Quất.

“Vật chất nạo vét cảng” được ghi nhận là uyển ngữ của báo nhà nước để mô tả chất thải của nhà máy thép.

Hòa Phát Dung Quất đang triển khai dự án đầu tư Khu Liên Hợp Sản Xuất Gang Thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh Tế Dung Quất ở tỉnh Quảng Ngãi.

Báo Zing cho hay: “Thành phần ‘vật chất nhận chìm’ gồm: Cát biển chiếm khoảng 86.4%, bùn sét 13.6%. Chất được phép nhận chìm không chứa phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ và quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thời gian được phép nhận chìm từ hôm 1 Tháng Ba, 2019 đến 31 Tháng Năm, 2020. Theo lãnh đạo tập đoàn Thép Hòa Phát, để thi công hạng mục cảng chuyên dùng cho tàu vận có tải trọng 200,000 DWT ra vào dự án Khu Liên Hợp Sản Xuất Gang Thép Hòa Phát Dung Quất, doanh nghiệp này đã nạo vét khu vực biển tại đây. Khi thi công, tổng lượng vật chất trong quá trình nạo vét dư thừa, cần xử lý khoảng 15 triệu mét khối, gồm cát, tạp chất nạo vét ở lòng biển tại khu vực xây dựng cảng chuyên dùng.”

Công trường nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất. (Hình: Zing)

Việc Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CSVN cấp phép cho Thép Hòa Phát nhận chìm chất thải ở biển xảy ra ba tháng sau khi biển Hòn Cau ở tỉnh Bình Thuận thoát nạn nhận chìm 1 triệu mét khối chất nạo vét nhờ công luận phản đối kịch liệt.

Hồi Tháng Mười Hai, 2018, báo VnEconomy cho biết hàng loạt chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, cảng biển “đề xuất Bộ Tài Nguyên và Môi Trường CSVN cấp phép nhận chìm vật, chất nạo vét trong quá trình xây dựng, thi công cảng biển hoặc chống sa bồi cảng biển.”

Tờ báo viết thêm: “Quá trình nạo vét khiến khối lượng vật chất thải ra rất lớn và cần chỗ để nhận chìm. Trong khi Chính phủ [CSVN] yêu cầu dừng xuất khẩu mọi loại cát thì giải pháp cho hàng triệu tấn vật chất nạo vét kia lại càng khó khăn. Việc nhận chìm vật chất thời gian qua gây nhiều sóng gió và ý kiến trái chiều trong dư luận. Bộ Tài Nguyên và Môi Trường cũng tỏ ra rất thận trọng với vấn đề nhận chìm.”

Thép Hòa Phát thuộc sở hữu của ông Trần Đình Long, người được mệnh danh là “vua thép” và “tỉ phú đô la sống chủ nghĩa bình thường, mỗi năm đi du lịch với gia đình bốn lần, ăn đủ 365 bữa cơm tối ở nhà”. Báo Thời Đại viết về ông Long: “Những người từng tiếp xúc với ông vua thép đều có chung một cảm nhận rằng đó là một người đang tin cậy, dân dã xuề xòa và chia sẻ rất thật. Một người đã nói là làm, đã làm là làm đến cùng một cách đường hoàng.”

Hồi Tháng Ba, 2018, báo Tiếng Dân đăng bài của tác giả Lý Trần viết: “Từ ngày nhà máy Hòa Phát cán thép hoạt động, tất cả khu vực xung quanh Hòa Phát ở Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên đều bị phủ một lớp bụi màu đen. Mỗi lần mưa, mái ngói nhà dân trút xuống dòng nước đen ngòm, nước các dòng sông cũng chuyển màu đen của than. Vì không mất tiền lọc bụi, nên Hòa Phát càng lãi và ông Long càng có nhiều tiền là điều dễ hiểu.”

“Khi tin này được phản ánh đến cán bộ huyện Yên Mỹ, người dân được cán bộ, cảnh sát môi trường huyện Yên Mỹ và Mỹ Hào dọa: ‘Các bác có biết thép Hòa Phát là của ai không? Của ông Long đấy. Các bác có biết ông Long là ai không? Là người nhà ông Trần Tuấn Anh, đương kim bộ trưởng Công Thương, con ông Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước đấy. Các bác kiện đi!’ ‘Thế có nghĩa là ông Long có cả tiền và có cả súng lẫn nhà giam!’ Mấy ông cán bộ dọa thêm,” theo báo Tiếng Dân. 

Nguồn: Người Việt

Bài Khác