Biển Đông: Lý Thuyết Mahathir

Biển Đông: Lý Thuyết Mahathir

07/05/2019

Có một lý thuyết nào có thể giữ cho Biển Đông hòa bình? Hay phải là một hiệp ước được tất cả các bên tôn trọng? Hay là vũ khí dầy đặc Biển Đông mới giữ được hòa bình?

Đó là một suy nghĩ cần lời giải đáp. Nhật báo New Straits Times có bài viết nhan đề  rất lạ — ‘Mahathir Doctrine’ keeps South China Sea peaceful (Lý thuyết Mahathir giữ hòa bình cho Biển Đông) – hôm 6 tháng 5/2019.

Bài viết của Tiến sĩ Rizal Abdul Kadir, một chuyên gia không phải  bình thường. Kadir là Phó Tổng Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Hải Dương Mã Lai (Maritime Institute of Malaysia) và là một giáo sư ở Đại Học Quốc Phòng Mã Lai (National Defence University of Malaysia).

Vấn đề nêu lên rằng, có lý thuyết như thế hay không? Và nếu có, lý thuyết này có thể giữ hòa bình cho Biển Đông hay không?

Câu chuyện khởi sự từ giữa năm 2008,  khi Thủ Tướng Mahathir Mohamad đề nghị chỉ nên đưa tàu tuần nhỏ để giữ hòa bình cho Biển Đông, và phải bảo đảm rằng toàn bộ khu vực Biển Đông sẽ không có chiến hạm. Quan điểm này sau đó đưa tới tất cả các Bộ trường Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao trong khu vực.

Tiến sĩ Mahathir lý luận rằng các tàu chiến là bước dầu của mồi lửa chiến tranh, do vậy chỉ cần tàu tuần cỡ nhỏ để giữ an ninh biển và chống lại bọn hải tặc. 

Nói thì nói vậy, nhưng không quốc gia nào thực sự cho tàu chiến cắm neo một chỗ dài hạn… Trong khi tàu chiến Trung Quốc liên tục xông xáo, quậy cho sóng gió không ngừng.

Báo The New Indian Express hôm 6 tháng 5/2019 có bản tin gây quan ngại: “Chinese navy so powerful that US keeps its ships at a safe distance” (Hải quân Trung Quốc có hỏa lực mạnh tới mức Hoa Kỳ phải giữ các tàu chiến Mỹ ở tầm xa an toàn).

Bài báo cho biết Trung Quốc lặng lẽ đưa ra nhiều tàu ngầm nguyên tử và các tàu chiến khác trong các vùng biển gần bờ, cho TQ khả năng tấn công đợt thứ nhì trong trước hợp kho vũ khí nguyên tử trên mặt đất bị quân thù xóa sổ bằng đòn tấn công trước. Đó là tin từ Reuters, dẫn theo các nguồn tin tình báo và quân sự Hoa Kỳ.

Thông tấn Reuters dẫn tin này để nói rằng Hải quân TQ đang chế ngự các vùng trong Ba Đại Dương: South China Sea, East China Sea và Yellow Sea. Có nghĩa là ba vùng biển: Biển Đông (của VN, Philippines…), Biển Hoa Đông, Biển Hoàng Hải.

Bài báo NIE nêu quan ngại về khả thể Hoa Kỳ can thiệp khid ựa vào sức mạnh đồng minh – một số quốc gia đồng minh có hiệp ước ràng buộc bảo vệ — trong trường hợp chiến tranh với Hoa Lục.

Các chuyên gia Hoa Kỳ nói rằng, khi cuộc chiến tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc bên ngoài các vùng bở biển sẽ rất là đắt giá cho Hoa Kỳ. Thậm chí, các chuyên gia này cảnh báo: “Hoa Kỳ và các đơn vị đồng minh sẽ có cơ nguy thiệt hại nặng nề, và có thể sẽ thảm bại.”

Đáng ngại vật… 

Trong khi đó, bản tin VOA kể chuyện đồng minh với nhau vẫn thê thảm: Indonesia hôm 4/5/2019 đánh chìm tàu cá nước ngoài, trong đó nhiều nhất là tàu của Việt Nam, để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép trong lãnh hải nước này, theo AFP.

Indonesia tiến hành việc trên một tuần sau vụ va chạm trên Biển Đông với một tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Khoảng 51 tàu cá nước ngoài, trong đó có 38 tàu cá Việt Nam, bị đánh chìm trong vòng hai tuần tới tại nhiều địa điểm khác nhau.

Ngoài tàu của Việt Nam, còn có tàu của Trung Quốc và Malaysia, theo AFP.

Còn chuyện TQ cấm đánh cá nữa… dĩ nhiên, VN đâu có chịu.

Bản tin VTC kể: Ngày 5/5/2019, trả lời VTC News về việc Trung Quốc ngang nhiên đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) khẳng định, hành động của Trung Quốc là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Bản tin VTC viết:

“- Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc ngang nhiên đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông?

Trung Quốc ngang nhiên đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông trong ba tháng rưỡi, bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 16/8 là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.”

Trong khi đó, các học giả TQ vẫn liên tục gây sự với VN.

Báo Thanh Niên kể: Kể từ khi manh nha xuất hiện trên các ấn phẩm khoa học thế giới vào năm 2011, bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ôm gần trọn Biển Đông ngày càng được cài cắm dày đặc, theo tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó giáo sư Đại học UCI, California (Mỹ). Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC, tiến sĩ Phú cho hay từ năm 2017, số lượng bài báo khoa học của tác giả Trung Quốc có chèn đường lưỡi bò lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài.

Bản tin TN kể: 

“Cũng như hành động in đường lưỡi bò lên hộ chiếu từng bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ, việc cài cắm bản đồ phi pháp này trong ấn phẩm khoa học thuộc chiến lược “mưa dầm thấm đất” của Trung Quốc nhằm biến điều phi lý thành quen thuộc, tạo cơ sở ngụy biện rằng đường lưỡi bò “đã được công nhận rộng rãi”. Một trong những yếu tố đáng báo động là nội dung những bài báo hay báo cáo khoa học đều hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chủ quyền, an ninh, chính trị hay pháp lý. Vì vậy, các chuyên gia thẩm định và độc giả nếu không có chuyên môn hoặc không quan tâm đến những lĩnh vực nói trên thì sẽ không nhận ra ý đồ của Trung Quốc và tưởng rằng bản đồ đường lưỡi bò là có giá trị.”

Thế nên, đầy nỗi lo vậy…

Bài Khác