Biển Đông: Manila càng chập chờn, Bắc Kinh càng lấn lướt

MAI VÂN / RFI –

Biển Đông: Manila càng chập chờn, Bắc Kinh càng lấn lướt

.

Ảnh minh họa : Dân Philippines biểu tình đốt cờ Trung Quốc ngày 17/06/2019 tại Manila để phản đối vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines.
TED ALJIBE / AFP

Gần một tháng sau khi vụ việc xẩy ra, tuần duyên và cơ quan hàng hải Philippines mới đưa ra kết luận về vụ tàu cá Philippines ngày 09/06/2019 bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại khu vực Bãi Cỏ Rong gần Trường Sa trên Biển Đông rồi bỏ đi, để mặc cho 22 ngư dân Philippines trong vòng nguy hiểm mà không hề cứu vớt.

Theo nội dung báo cáo đã được báo chí Philippines tiết lộ ngày 06/07 vừa qua, đây là một sự cố trên biển nghiêm trọng, tàu Trung Quốc có lỗi chính trong tai nạn, không chủ động thực hiện các biện pháp tránh va chạm với tàu cá Philippines và không giúp đỡ các ngư dân Philippines bị nạn. Báo cáo của các cơ quan chức năng đã gián tiếp bác bỏ lập luận của chính tổng thống Philippines Duterte về sự cố, cho đấy chỉ là một « tai nạn nhỏ », bất chấp những thông tin ban đầu cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Theo giới quan sát, phản ứng của các giới chức chính quyền Philippines liên quan đến vụ Bãi Cỏ Rong trong một tháng qua thiếu nhất quán, từ thái độ cứng rắn ban đầu đã mau chóng giảm nhẹ cường độ sau đánh giá của tổng thống Philippines.

Trong một bài phân tích trên nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 07/07 vừa qua, chuyên gia Collin Koh thuộc Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Chiến Lược, Đại Học Công Nghệ Nanyang (Singapore) đã đặt ra câu hỏi « Liệu thái độ chập chờn của Manila trên sự cố Bãi Cỏ Rong có làm Bắc Kinh hung hăng hơn hay không ? »

Đối với chuyên gia này thì cách một quốc gia phản ứng với chiến thuật tấn công theo kiểu « vùng xám » của những kẻ xâm lược nước ngoài có thể tác động đáng kể đến cách đối phó trong tương lai của nước này.

Duterte không cho phản ứng mạnh

Nhà nghiên cứu đã nêu bật sự cố Bãi Cỏ Rong trên Biển Đông, xảy ra ngày 09/06/2019, trong đó Philippines là nước bị tấn công bằng chiến thuật « vùng xám », còn nước xâm lược là Trung Quốc.

Đã gần một tháng kể từ khi xẩy ra vụ một chiếc tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Philippines ngoài khơi Bãi Cỏ Rong, cuộc tranh chấp ở Philippines vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nhưng vào lúc Bắc Kinh và Manila tìm cách xác định những gì đã thực sự xảy ra, đã xuất hiện những tuyên bố mâu thuẫn nhau và đôi khi gây tranh cãi từ phía các quan chức Philippines, trong đó có cả tổng thống Rodrigo Duterte.

Nhà lãnh đạo tính khí thất thường, nổi tiếng với cách ăn nói sỗ sàng, lại không phải là người đầu tiên lên tiếng khi có tin tức về vụ việc.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana ban đầu đã phản ứng giận dữ, gọi đó là một hành vi cố ý của phía Trung Quốc. Nhưng khi ông Duterte phá vỡ sự im lặng và nói rằng đó chỉ là một sự cố nhỏ trên biển, thì ông Lorenzana đã nép về phía sau.

Trong một bước ngoặt khác, thuyền trưởng tàu cá Philippines đã cải chính và rút lại những cáo buộc ban đầu theo đó tàu Trung Quốc đã cố tình đâm tàu Philippines.

Trong khi chờ kết quả điều tra chính thức, người ta có thể quan sát các phản ứng tương phản của Trung Quốc và Philippines.

So với lập trường chập chờn của Manila, quan điểm của Bắc Kinh đã được tính toán kỹ và nhất quán, ngay cả khi người ta có thể hoài nghi về tính xác thực trong cách giải thích của đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, theo đó tàu Trung Quốc đã không thể giải cứu 22 ngư dân Philippines bị rơi xuống biển vì lúc đó tàu Trung Quốc đang bị tàu thuyền Philippines « bao vây ».

Sự cố Bãi Cỏ Rong : Kinh nghiệm về chiến lược vùng xám

Đã có rất nhiều suy đoán cho rằng chiếc tàu Trung Quốc thuộc lực lượng dân quân biển. Nếu đúng là như vậy, sự cố Bãi Cỏ Rong có thể là một bài học quan trọng về cách quản lý khủng hoảng, mang lại cho các chính phủ kinh nghiệm đối phó với các kịch bản « vùng xám » trong tương lai.

Nói một cách đơn giản, chiến lược « vùng xám » là việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế quân sự và phi quân sự nhằm đạt được các mục tiêu trong chính sách đối ngoại, mà không cần dùng đến các phương tiện chiến tranh đúng nghĩa. Chiến lược này bao gồm cả việc sử dụng các tác nhân trên danh nghĩa không phải là của Nhà nước, như trong trường hợp « những người áo xanh lá cây nhỏ bé – little green men » (nói về lính Nga trá hình, không đeo phù hiệu, quân hiệu) đã nắm quyền kiểm soát Crimée vào năm 2014.

Tương đương với đạo quân đó ở trên biển chính là đạo quân của « những người áo xanh lam nhỏ bé – little blue men » như cách gọi của giáo sư Andrew Erickson trong bài nghiên cứu về lực lượng dân quân biển vốn rất khó nhận dạng của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông. Lực lượng được cho là ngư dân đó có thể thực hiện một số nhiệm vụ được gọi là yêu nước để giúp Bắc Kinh khẳng định quyền hạn và lợi ích hàng hải ở vùng biển có tranh chấp.

Chiến lược « vùng xám » có thể có nhiều cơ hội thành công hơn nếu phía nạn nhân không phản ứng hiệu quả được vì bị các rào cản quan liêu. Thái độ thiếu dứt khoát và mâu thuẫn nội bộ có thể làm cho phía bị tấn công mất đi cơ hội có phản ứng quyết định để ngăn chặn hoặc lật ngược lại tình trạng đã rồi mà kẻ xâm lược áp đặt.

Dưới thời Duterte, Manila không còn cứng rắn với Bắc Kinh

Đối với chuyên gia Collin Koh, thái độ chập chờn của Manila sau sự cố Bãi Cỏ Rong không phải là điều mới xẩy ra lần đầu. Từ cuối năm 2016, phản ứng của Philippines trước các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa phải nói là rất lung tung.

Đáng chú ý nhất là vào tháng 5 năm ngoái, phản ứng đầu tiên của Manila trước việc Trung Quốc triển khai tên lửa đến Trường Sa là chờ « xác minh » sự việc. Đó có vẻ là một phản ứng thận trọng, nhưng điều đáng nói là chính quyền Philippines đã phải mất gần năm ngày để thừa nhận rằng họ không thể xác minh điều được cho là vi phạm đó.

Ông Harry Roque, lúc đó là phát ngôn viên của tổng thống Philippines, đã tuyên bố : « Để có thể làm công việc xác minh, chúng tôi cần đến một loại công nghệ mà chúng tôi chưa có, nên chúng tôi vẫn không thể tự mình xác minh được ». Nhân vật này còn cho biết thêm là vấn đề xác minh thậm chí còn không được nêu lên trong một cuộc họp nội các do tổng thống Duterte triệu tập

Malaysia chập chờn nhưng không buông bỏ như Philippines

Nhưng vấn đề không chỉ xảy ra riêng cho Philippines. Vào tháng 3 năm 2016, sau các báo cáo theo đó một hạm đội gồm hơn 100 tàu đánh cá Trung Quốc đã tiến vào vùng biển Malaysia ngoài khơi Sarawak, chính quyền Kuala Lumpur cũng đã có phản ứng chập chờn.

Trong lúc Cơ Quan Hàng Hải Malaysia (Malaysian Maritime Enforcement Agency), tên gọi lực lượng tuần duyên của nước này, khẳng định rằng cuộc thâm nhập đã thực sự diễn ra, thì phía Hải Quân lại cho là không. Vụ tàu cá Trung Quốc tràn ngập vùng biển của Malaysia nói trên xẩy ra đúng vài tháng sau khi người ta biết được sự kiện lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã duy trì từ 2013 một sự hiện diện ở khu vực bãi cạn South Luconia Shoal, ngoài khơi Sarawak.

Kuala Lumpur sau đó đã gởi công hàm phản đối, nhưng việc Malaysia không có phản ứng đáp trả rõ ràng đã càng khiến Trung Quốc bạo dạn hơn và tiếp tục duy trì lực lượng tuần duyên ở vùng biển này.

Theo chuyên gia Collin Koh, dù hùng hậu hơn Philippines, nhưng Hải Quân Malaysia vẫn thua xa lực lượng Trung Quốc. Thế nhưng Hải Quân Malaysia vẫn duy trì sự hiện diện, dù không liên tục, ở vùng South Luconia Shoal để cho Trung Quốc thấy là họ không được phép hoàn toàn kiểm soát khu vực.

Còn Philippines thì ngược lại. Sau sự cố ở Bãi Cỏ Rong, tổng thống Duterte đã cảnh cáo Hải Quân Philippines là hãy « đứng ngoài vòng rắc rối », trong lúc bộ trưởng Quốc Phòng Lorenzana thì cho rằng chính Cục Ngư Nghiệp và Hải Sản, chứ không phải là Hải Quân, mới có trách nhiệm bảo vệ hoạt động đánh cá ở Biển Đông, một điều mà hiển nhiên cơ quan này không thể làm được vì thiếu phương tiên.

Việt Nam và Indonesia đáp trả cương quyết hơn

Nhưng các quốc gia Đông Nam Á không phải lúc nào cũng thua trong các tình huống ở vùng xám.

Chuyên gia Collin Koh nêu bật ví dụ của Việt Nam, vào năm 2014, đã đương đầu với Trung Quốc trong vụ dàn khoan di động Hải Dương 981 ở Biển Đông. Cho dù hai bên đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc đọ sức, nhưng Hà Nội rõ ràng là đã không khuất phục trước đe dọa quân sự lớn hơn của Trung Quốc.

Cũng tương tự như vậy, vào tháng 3 năm 2016, Jakarta cũng có hành động đáp trả dứt khoát sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc can thiệp, ngăn không cho Indonesia thực thi luật đánh cá của mình tại vùng biển Natuna.

Indonesia đã phản đối mạnh mẽ và tăng cường lực lượng Hải Quân trong vùng. Ba tháng sau vụ việc, một tàu chiến Indonesia đã không ngần ngại bắn cảnh cáo một tàu cá Trung Quốc vi phạm luật.

Điều được chuyên gia Singapore nêu bật là sau đó, không thấy có thêm thông tin nào về những vụ việc tương tự, trong lúc quan hệ thương mại của Indonesia với Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng.

Đối với ông Collin Koh, trường hợp của Philippines là một ví dụ điển hình cho thấy là một cách đáp trả sai có thể khiến cho một kẻ tấn công bằng chiến lược « vùng xám » bạo gạn hơn, dù đó là Trung Quốc hay bất kỳ ai khác.

Người ta có thể cho là kẻ xâm lấn thành công nhờ sự tinh tế chiến lược, nhưng cách phản ứng của nạn nhân cững có vai trò đáng kể trong kết cục.

Nguồn: RFI

Bài Khác