“Bị thiêu sống”

 Chuly sưu tầm

“Bị thiêu sống” 
Bi kịch của một cuộc đời có thật

Người phụ nữ bị thiêu sống đã gom góp lại những mảnh vỡ của kí ức đau thương, với tiếng la hét, nguyền rủa, với lửa và máu để viết nên cuốn hồi ký làm rung động trái tim người…

“Tôi là một đứa con gái, và con gái thì phải bước nhanh, đầu lúc nào cũng phải cúi xuống đất như thể đang đếm bước. Mắt không được nhìn lên, không được liếc sang phải hay sang trái trên đường đi. Vì nếu lỡ để ánh mắt mình bắt gặp một người đàn ông thì sẽ bị cả làng gọi là lăng loàn, đĩ điếm”…

“Bị thiêu sống” – cuốn hồi ký rung động thế giới về tội ác đối với phụ nữ – đã bắt đầu như thế, một cái bắt đầu khiến tôi cảm thấy ngột ngạt, một cảm giác không thể gọi chính xác thành tên. Cái ngôi làng nhỏ xứ Cisjordanie thuộc Ả Rập – nơi nhân vật nữ chính sinh ra – dường như chỉ có phủ vây những định kiến và lễ giáo khắt khe, nói đúng hơn là sự bạo tàn và phi nhân tính! Ở ngôi làng ấy, phụ nữ phải đẻ con trai, con gái chỉ cần hai đến ba đứa để lo việc nhà, nếu đẻ thêm thì sẽ là đại họa và người mẹ phải bóp cổ cho nó chết thật nhanh. Ở cái xã hội thu nhỏ ấy, bất cứ người con gái nào sinh ra trên cõi đời đều phải tự mình nhận thức được – “Vì là con gái nên bản thân sẽ bị coi rẻ không bằng một con vật”…

Tôi đã lặng đi thật lâu trong những dòng hồi ức của Souad, những dòng chảy qua số phận của người đàn bà phải “sống hai kiếp” ấy cứ ám ảnh người đọc mãi không thôi. 17 tuổi, Souad có thai với gã đàn ông chưa phải là chồng mình – đó bị xem là tội ác, là sự bôi nhọ ghê gớm nhất đối với danh dự gia đình. Và cái giá cho “tội ác” đó là Hỏa hình, một hình phạt ghê gớm và tàn bạo do chính người thân – anh rể của cô thực hiện. Tôi muốn bạn cùng tôi, cùng Souad sẻ chia những nỗi đau mà rất nhiều người phụ nữ như bà phải chịu đựng – nỗi đau từ hủ tục tàn bạo mà Souad chính là một nhân chứng hiếm hoi còn sống sót trên cuộc đời…

Câu chuyện mở đầu bằng những suy tư non trẻ của một thiếu nữ mới chập chững vào đời. Những nỗi sợ mơ hồ từ sự khắt khe, độc ác của mẹ cha: Mẹ cô có thể giết thật nhanh những đứa con gái mới chào đời, cha cô có thể dùng kéo cắt lông cừu để cạo đầu con đẻ. Khủng khiếp là thế, nhưng ở cái làng này, mọi thứ lại trở nên quá đỗi bình thường. Tuy luôn mang trong mình nỗi lo sợ nhưng những xuyến xao vẩn vơ không phải là không lớn lên trong Souad. Vào một ngày, nhẹ nhàng như cơn gió lạ – cái gọi là tình yêu cũng đến. Chưa bao giờ Souad cảm thấy sung sướng đến thế. Đứng gần Faiez, ở cạnh anh trong một phút một giây trên cánh đồng lúa mì xanh mướt cũng là điều tuyệt diệu. Lần đầu tiên cô cảm nhận được mình, cảm nhận được sự tự do của trái tim và thể xác. Souad là một người con gái đang sống, đang yêu và quyết hy sinh hết thảy vì anh… Bất giác, tôi mừng thầm cho hạnh phúc của Souad!

Nhưng rồi, điều bất hạnh nhất đã xảy ra. Vào một ngày, Faiez tống cô vào bãi cỏ – nơi đồng xanh rất đẹp, có cả những khóm hoa, những con cừu hiền lành suốt ngày nhẩn nha ăn cỏ. Faiez đã làm cái hắn muốn, làm trong im lặng… Những giọt nước mắt lăn dài vì đớn đau nhưng Faiez không hỏi vì sao cô khóc, hắn chỉ nhìn trân trân vào những giọt máu chảy ra giữa hai đùi và làm ra thể ngạc nhiên lắm. Souad chua xót, có lẽ gã tình nhân chỉ đang lợi dụng cô, có lẽ hắn nghĩ cô đã thất tiết trước khi gặp hắn, có lẽ hắn chỉ xem cô là con đĩ rẻ tiền. “Những giọt máu trinh được chùi tạm bằng mớ cỏ”, Souad đau đớn và thất thểu trở về… Trở về và dần mang trong mình một mầm mống nhỏ hoài thai….

Souad đã mang thai sau 3 lần quan hệ với hắn, cố gắng hy vọng hắn xin cưới dù biết rằng sự thật rất mong manh. Tim tôi nhói đau khi chứng kiến cảnh Souad bị anh rể tưới xăng lên mình rồi bỏ chạy trong hoảng loạn cực độ. Tôi ghê tởm người mẹ ruột đang nhét bát thuốc độc vào miệng đứa con đang cháy từng thớ thịt. Phải, đứa con gái hiền lành, ngây thơ và khờ khạo, đứa con gái trao hết tất cả những gì thiêng liêng cho người yêu bây giờ chỉ còn là “một nhúm thịt mang hình hài con người nằm đau đớn trên chiếc cán cứu thương”, cơ thể bốc mùi chết chóc khiến ai ngang quá cũng kinh tởm và nôn thốc. “Tôi như bãi phân trong phòng vệ sinh, người ta giật nước đổ ào cuốn đi, thế là hết” – với Souad, sống sót được quả là một điều kì diệu, một phép lạ như câu chuyện cổ tích giữa đời thường…

Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của người con gái đáng thương ấy, có lẽ tôi đã không thể nào sống nổi. Cái chết về mặt thể xác đã đau đớn, nhưng cái chết về mặt tinh thần còn đớn đau gấp vạn. Có lẽ vì thế mà Souad đã tự nhận mình có hai kiếp sống: Kiếp sống đầu tiên là khi ở làng Cisjordanie và cuộc đời thứ hai ở Âu Châu sau khi thoát chết là một sự tái sinh kỳ diệu… Souad đã sống, đã bắt đầu lại cuộc đời nhờ Surgir, tổ chức nhân ái và bảo vệ phụ nữ. Cô đã tìm lại được đứa con sinh non 7 tháng và mọi kí ức đã qua trở thành những khoảng trống đến rợn người…

Gom góp lại những mảnh vỡ kí ức với tiếng la hét, nguyền rủa, với lửa, máu, với những khuôn mặt chồng chéo lên nhau quả là điều đáng sợ. Thế nhưng người phụ nữ ấy đã tìm cách nhặt nhạnh để viết nên cuốn sách làm rung động hàng triệu trái tim người. Bởi thực ra, kí ức không mất, nó chỉ nằm yên, cho đến một ngày tỉnh giấc làm quặn thắt trái tim người – phải rồi, không ai có thể quên được – cái chết của chính mình…

“Bị thiêu sống” được viết bằng ngôi thứ nhất, không cầu kỳ, hoa mỹ, không uyên bác tài hoa nhưng nó lại có khả năng làm thay đổi cuộc đời. Những câu chữ hiển hiện trên trang giấy rất thực, rất đau… Souad đã dũng cảm trở thành nhân chứng sống để lên án cái hủ tục đáng nguyền rủa ấy, để an ủi những người con gái đã nằm xuống ức oan trong lòng đất. Ngọn lửa tàn bạo có thể thiêu đốt những sinh linh bé bỏng nhưng nó không thể dập tắt ước mơ của những người đang sống – bởi họ, sẽ thay thế người ra đi để sống tiếp và sống thật tốt quãng đời còn lại…

Bài Khác