Bí ẩn ‘Thảo Thế Kiếm’, một trong 3 báu vật của Thiên hoàng Nhật ngày đăng quang

Bí ẩn ‘Thảo Thế Kiếm’, một trong 3 báu vật của Thiên hoàng Nhật ngày đăng quang

.

Các báu vật được dùng trong lễ lên ngôi, nhưng chưa từng được thấy tận mắt. (Hình: Getty Images)

NHẬT BẢN – Nước Nhật sẽ bước vào thời kỳ Lệnh Hòa với sự đăng quang của Tân Nhật Hoàng, Thái tử Naruhito vào 5 giờ chiều ngày 30 Tháng Tư, 2019, giờ địa phương.

Đối với truyền thống vương triều Nhật Bản, khi hoàng gia sang triều đại mới, đồng nghĩa với việc người Nhật xem như một chặng đường đã khép lại trong lịch sử.

Lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, vị vua của thời kỳ Bình Hành (Heisei) khi đang tại thế được thế giới chờ đợi không chỉ vì đây là sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong vòng 200 năm qua ở Nhật Bản, mà còn là sự hiếu kỳ về các nghi lễ đầy tính biểu tượng truyền thống của người Nhật.

Thanh kiếm Kusanagi-no-Tsurug. (Hình: Internet)

Người ngồi vào Ngai Vàng Hoa Cúc sẽ nghiễm nhiên được truyền lại ba báu vật thần thánh (Tam Chủng Thần Khí) của vương triều Nhật Bản, đó là: Chiếc gương Yata-no-Kagami biểu tượng cho trí khôn; viên ngọc Yasakani no Magatama biểu tượng cho lòng nhân từ và thanh báu kiếm Kusanagi-no-Tsurug, biểu tượng cho đức tính dũng cảm.

Hoàng gia Nhật không có vương miện nên Tam Chủng Thần Khí là ba báu vật dùng trong lễ đăng quang của người mang chân mệnh thiên tử.

Giữa ba báu vật này, thông tin về thanh kiếm Kusanagi-no-Tsurug được cho là tối mật. Hiện có nhiều nguồn tin khác nhau về sự tồn tại của thanh kiếm.

Trong một bài viết của nhà khảo cổ học Wu Mingren, thần thoại Nhật Bản ghi lại rằng cách đây từ rất lâu, có một con rắn tám đầu luôn tìm cách quấy nhiễu nhân gian.

Thấy chuyện bất bình, vị thần Susanoo-no-Mikoto đã quyết tiêu diệt con mãng xà này. Vị thần dùng ba thùng rượu để dụ dỗ ác xà, nhân lúc nó say rồi lấy mạng nó bằng cách cắt đuôi.

Tuy nhiên trong đó có một cái đuôi không thể nào cắt được, thần bèn dùng kiếm khoét một lỗ hổng nhỏ thì mới phát hiện thấy bên trong cái đuôi này có một thanh bảo kiếm.

Thần Susanoo đã đặt tên cho thanh bảo kiếm ấy là Ame-no-Murakumo-no-Tsurugi (Thiên Tùng Vân Kiếm.)

Thanh bảo kiếm này đã được nữ thần Amaterasu ban cho Yamato Takeru, con trai của Thiên hoàng Keiko. Một ngày nọ, hoàng tử đi săn bắn. Ngài bị kẻ địch phóng hỏa thiêu đốt lớp cỏ khô xung quanh ông. Hoàng tử dùng chính thanh kiếm Kusanagi cắt đám cỏ đang bốc cháy rồi hướng ngọn lửa về phía kẻ thù. Từ đó, bảo kiếm được gọi là Kusanagi-no-Tsurug (Thảo Thế Kiếm) đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Nhật Bản.

Các tài liệu ghi rằng thanh báu kiếm được truyền từ đời này sang đời khác cho đến khi Kusanagi được cho là nguyên nhân gây ra bệnh nặng và cái chết của thiên hoàng Temmu năm 686. Kể từ đó, Kusanagi được cất giữ tuyệt mật tại ngôi đền Atsuta. Nhưng cũng có lời truyền rằng thanh báu kiếm Kusanagi bị thất lạc vĩnh viễn vào thế kỷ 12, do xảy cuộc hải chiến giữa hai gia tộc mạnh nhất Nhật Bản là Minamoto và Taira. Khi gia tộc Taira thất bại, Nhật hoàng Antoku và mẹ nhảy xuống biển tự vẫn. Thanh báu kiếm cũng theo đó nằm sâu dưới lòng đại dương.

Một tài liệu khác của nhà khảo cổ học Wu Mingre viết rằng báu kiếm đang được cất giữ tại đền Atsuta, một đền thờ Shinto giáo ở Nagoya, miền Trung của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự hiện hữu thật sự của nó không thể được xác nhận, vì dường như không ai còn sống ngày nay từng nhìn thấy thanh kiếm. Ngay chính Nhật hoàng Akihito cũng được cho là chưa từng nhìn thấy thanh kiếm này.
Năm 1989 khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi, ông đã nhận được thanh kiếm này, tuy nhiên nó được bọc bên trong lớp vải.

Dù không biết thanh báu kiếm Kusanagi-no-Tsurug đang được dùng trong buổi lên ngôi của Thiên hoàng Nhật có phải là thật hay không, nhưng nó vẫn luôn là biểu tượng văn hoá thiêng liêng của xứ Phù Tang. Và hơn thế nữa, nó vĩnh viễn là bí ẩn của hoàng gia Nhật Bản. 

Nguồn: Người Việt

Bài Khác