Báo Anh: Tàu sân bay Mỹ và mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc

Báo Anh: Tàu sân bay Mỹ và mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc

Trọng Nghĩa Đăng ngày 16-11-2019 

media

Ba tầu sân bay của Mỹ USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz ở Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 12/11/2017.James Griffin/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Ngay trên trang bìa, dù tựa chính cho cơn sốt đầu tư vào ngành công nghệ giải trí tại Mỹ, được gọi là “Bữa nhậu trị giá 650 tỷ đô la – The §650bn binge”, tuần báo Anh The Economist (ngày 14-22/11/2019) cũng đã giới thiệu trong một hàng tựa nhỏ một bài phân tích rất lý thú: “Hàng không mẫu hạm, những cái đích to lớn và đầy uy lực để nhắm bắn – Aircraft carriers, mighty big targets”.

Ở bên trong, tờ báo đã dành cho chủ đề này một bài dẫn nhập mang tựa đề : “Tàu sân bay đang nằm dưới sự đe dọa của tên lửa hiện đại”, và một bài phân tích dài về hiện tượng: “Hàng không mẫu hạm là những con tàu to lớn, đắt tiền, dễ lâm vào hiểm cảnh nhưng lại rất được ưa chuộng”.

Dĩ nhiên là nói đến tàu sân bay là phải nói đến Mỹ, và tuần báo Anh không ngần ngại cho rằng nếu các tàu sân bay Mỹ và các chiến đấu cơ được chở theo không thích nghi được với tình huống mới, thì các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ gặp rắc rối.

Tàu sân bay là “sai lầm về tư duy quân sự”?

Cái nhìn của The Economist rất thẳng thắn. Tờ báo đã trích lời của cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter trong cuốn hồi ký, theo đó: “Không một phương tiện nào thể hiện rõ sức mạnh của quân đội Mỹ bằng một chiếc tàu sân bay”, để khẳng định ngay rằng “Không một vũ khí nào khác minh họa rõ hơn những sai lầm trong tư duy quân sự của Mỹ”.

Tuần báo Anh giải thích: Hàng không mẫu hạm là những cỗ máy lớn nhất và đắt nhất trong lịch sử chiến tranh. Một con tàu lớp Ford mới của Mỹ có trị giá hơn 13 tỷ đô la, tức là lớn hơn cả ngân sách quốc phòng hàng năm của Ba Lan hoặc Pakistan. Tuy nhiên, khi các loại tên lửa chính xác trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn và nhiều hơn, những con tàu này ngày càng giống như các mục tiêu nổi khổng lồ.

Cho dù vậy, sức hấp dẫn của hàng không mẫu hạm vẫn rất mạnh trên thế giới. Hiên nay, Mỹ là nước có hạm đội tàu sân bay lớn nhất hành tinh, với 11 chiếc thuộc loại cực lớn, cùng với hơn nửa chục chiếc nhỏ hơn. Trung Quốc đã đóng xong chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ và sẽ đưa vào hoạt động vài tháng tới. Tàu sân bay hiện đại thứ hai của Anh Quốc đã bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 09/2019. Ngay cả nước có Hiến Pháp chủ hòa là Nhật Bản cũng đang cải tiến hai tàu khu trục để có thể mang theo máy bay phản lực, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Tàu sân bay đã chứng minh đầy đủ giá trị tác chiến trong những năm gần đây. Lực lượng vũ trang nhiều nước đã trầm trồ theo dõi việc máy bay của Hải Quân Mỹ đảm nhận phần lớn các phi vụ ném bom trong những tháng đầu chiến tranh ở Afghanistan (2001) và Irak (2003), và một lần nữa vào năm 2014.

Tại những chiến trường này, Mỹ không thể sử dụng căn cứ trên đất liền do địa lý hiểm trở hoặc vì không được phép của các đồng minh.

Tàu sân bay Mỹ không còn an toàn ở vùng biển gần Trung Quốc

Thế nhưng, theo The Economist, tình hình hiện nay đã khác. Vùng biển ngoài khơi Nga và Trung Quốc, hai đối thủ tiềm tàng của Mỹ, đã trở nên kém an toàn hơn bao giờ hết đối với hạm đội Hoa Kỳ.

Nga và Trung Quốc đều đang phát triển các tên lửa tầm xa có khả năng điều khiển từ xa và đủ chính xác để tấn công các tàu lớn trên biển. Hỏa tiễn đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc chẳng hạn, với tầm bắn 1.500 km, đã là một mối đe dọa đối với Mỹ. Bên cạnh đó, một số nước đang chế tạo tên lửa hành trình chống hạm rẻ hơn, tầm hoạt động ngắn hơn nhưng có thể được phóng đi từ máy bay.

Tên lửa chống hạm đang phát triển về tầm bắn, độ chính xác và số lượng. Theo một ước tính, một lực lượng hải quân Mỹ khi tiến vào bên trong phạm vi 2.000 km quanh Trung Quốc có thể phải chịu đến 640 vật thể tấn công trong cùng một loạt bắn.

Không thể đẩy hàng tỷ đô la và hàng ngàn người vào hiểm cảnh

Đối với tuần báo Anh, cho dù việc hướng dẫn các tên lửa để đánh trúng một mục tiêu di động ở ngoài xa là một điều khó khăn, nhưng không một lực lượng hải quân nào dám để cho hàng tỷ đô la và hàng ngàn thủy thủ lâm vào tình trạng nguy hiểm.

Hàng không mẫu hạm đã trở thành một công cụ quá quan trọng cần phải bảo vệ và như vậy, có lẽ hạm đội Mỹ sẽ phải ở cách bờ ít nhất 1.000 km, một khoảng cách mà máy bay chiến đấu của họ không thể vượt qua nếu không được tiếp tế nhiên liệu.

Khả năng kể trên có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng trên năng lực triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ trên khắp Thái Bình Dương và trên tất cả các đồng minh của Mỹ.

Mặt khác, tàu sân bay cũng sẽ phải được cả một đội khu trục hạm và hộ tống hạm bảo vệ. Điều này đòi hỏi một ngân sách lớn, có nguy cơ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của các lực lượng hải quân nhỏ hơn, như của Anh và Pháp chẳng hạn.

Hàng không mẫu hạm vẫn còn hữu dụng

Cho dù vậy, The Economist cho rằng hàng không mẫu hạm hiện nay chưa lâm vào tình trạng lỗi thời. Hầu hết các cuộc chiến tranh sẽ không phải là cuộc xung đột lớn. Tàu sân bay vẫn hữu dụng để chống lại những kẻ thù không có hệ thống tên lửa hiện đại.

Ngay cả trong các cuộc xung đột dữ dội, các chiến hạm vẫn cần đến sự yểm trợ của không quân nhằm chống lại tàu và máy bay của địch thủ. Chừng nào mà Hải Quân còn sử dụng tàu nổi, họ luôn luôn muốn có phi cơ bay kèm bên trên để bảo vệ.

Vấn đề được tuần báo Anh nêu bật tuy nhiên lại là loại máy bay nào. Vào lúc tên lửa đẩy tàu sân bay ra xa bờ, tầm bay trung bình của phi cơ chở theo đã bị thu hẹp, từ 2.240 km năm 1956, xuống còn khoảng 1.000 km ngày nay.

Biện pháp khắc phục rõ ràng là sử dụng máy bay không người lái có thể bay lâu hơn, mà lại không dùng đến phi công, cho phép các tàu sân bay giữ khoảng cách an toàn. Nhưng Lầu Năm Góc đã vô tình loại bỏ chương trình chế tạo một loại drone như vậy vào năm 2016, thay thế nó bằng một loại chỉ dùng để tiếp liệu.

Các tàu sân bay, cũng như các chiến đấu cơ chở theo, thuộc diện vũ khí “tuyệt hảo” cực kỳ đắt tiền. Tuy nhiên, có một cách đơn giản hơn, sử dụng các hệ thống nhỏ hơn, rẻ hơn và, nếu có thể, không cần đến người lái, có thể được mua với số lượng lớn hơn, phân bố rộng rãi hơn và sử dụng một cách táo bạo hơn. Loại phương tiện này có thể không oai phong bằng các tàu chiến lớn, nhưng thích hợp hơn với một thế giới trong đó việc triển khai sức mạnh quân sự ngày càng khó khăn hơn.

Bài Khác