Bắc Kinh đổi chiến lược đối phó với biểu tình ở Hồng Kông

THU HẰNG / RFI –

Bắc Kinh đổi chiến lược đối phó với biểu tình ở Hồng Kông

.

Người biểu tình vẫn tập trung đông đảo tại sân bay Hồng Kông ngày 13/08/2019. Reuters

Tuần thứ 10 liên tiếp của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông được đánh dấu bằng những cuộc tập hợp ở nhiều nơi, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, đặc biệt là chiến dịch tọa kháng từ tối 09/08/2019 tại sân bay quốc tế Hồng Kông nhằm đánh động công luận quốc tế. Đỉnh điểm là sự kiện sân bay phải đóng cửa, hủy hàng trăm chuyến bay khi gần 5.000 người biểu tình đổ về đây vào ngày 12/08.

Ý đồ của Bắc Kinh để cho phong trào tự tan rã dường như đã thất bại khi cuộc khủng hoảng ngày càng đi đến bế tắc. Bắc Kinh buộc phải thay đổi chiến lược, không còn coi đây là một « cuộc cách mạng màu », mà đã nâng thành « mầm mống khủng bố » khi nói về phong trào dân chủ Hồng Kông và mức độ bạo lực trong các vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.

Chiến lược mới của Bắc Kinh có thể được tóm lược trong ba mặt trận. Trước tiên, trên lĩnh vực truyền thông, từ vài ngày nay, đặc biệt từ sau sự kiện sân bay Hồng Kông đóng cửa, các cơ quan truyền thông Nhà nước được tự do chỉ trích mạnh mẽ người biểu tình dân chủ Hồng Kông.

Từ « khủng bố », được phát ngôn viên Dương Quang (Yang Guang) của Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao nêu lần đầu tiên trong cuộc họp báo chiều 12/08, đã được đài truyền hình CCTV nhắc lại đến ba lần trong bản tin thời sự cùng ngày. Hoàn Cầu Thời Báo tiếp tục đăng một đoạn video quảng bá các cuộc thao dượt của « cảnh sát vũ trang », dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc, « có vẻ đang diễn tập trên quy mô lớn » ở Thâm Quyến, giáp với Hồng Kông.

Tiếp theo, lực lượng cảnh sát chống bạo động ở Hồng Kông vừa được tăng cường thêm ba xe vòi rồng trị giá gần 3,4 triệu đô la mỗi chiếc. Theo phát biểu ngày 09/08 của bà Regina Ip, một lãnh đạo chính trị thân chính quyền trung ương, « Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho chúng tôi để cảnh sát cứng rắn hơn nữa ». Cảnh sát tiếp tục đàn áp phong trào dân chủ bằng lựu đạn hơi cay, đạn cao su và dường như nhận được sự tăng viện của an ninh Hoa lục.

Phương pháp thứ ba là đe dọa các doanh nghiệp, giới hoạt động nghệ thuật Hồng Kông, mà lợi ích kinh tế gắn liền với Hoa lục. Hãng hàng không Cathay Pacific là một ví dụ. Ngay khi Bắc Kinh yêu cầu hãng cấm những nhân viên tham gia biểu tình hôm 05/08 bay vào hoặc bay qua Hoa lục, tổng giám đốc của hãng đã phải đổi thái độ, y lệnh của Bắc Kinh với đe dọa kỷ luật, thậm chí sa thải những nhân viên tham gia biểu tình. Quyết định này là dễ hiểu vì gần một nửa doanh thu của Cathay Pacific là nhờ Trung Quốc. Ngoài ra hãng hàng không Air China chiếm 30% cổ phần của Cathay Pacific.

Nạn nhân thứ hai, bị Hoàn Cầu Thời Báo điểm mặt chỉ tên hôm 10/08, là trung tâm thương mại Harbour City, vì ban giám đốc đã hai lần để người biểu tình lấy cờ Trung Quốc. Đến tối 11/08, ông Peter Woo, chủ sở hữu trung tâm Harbourg City, đã nhanh chóng lên án « hành vi bạo lực bất hợp pháp, mang tính chất hăm dọa nhắm vào thường dân vì các mục đích chính trị ».

Nếu không được Bắc Kinh bật đèn xanh, các cơ quan truyền thông Nhà nước sẽ không được tự do và dồn dập cảnh cáo người biểu tình Hồng Kông như vậy. Trả lời Le Monde (13/08), ông Sebastian Veg, giáo sư lịch sử Trung Quốc, trường Nghiên cứu về Xã hội Paris (EHESS), nhận định : « Loạt cảnh cáo này điển hình cho kiểu hoạt động của chính quyền Trung Quốc : một chỉ thị từ trung ương đưa xuống, ngay sau đó tất cả các cơ quan, tổ chức phải hành động theo đúng tinh thần của chỉ thị ».

Trong bản tin của CCTV, người biểu tình Hồng Kông bị coi là những « kẻ nổi loạn », « bùn bẩn trong Lịch sử cần phải trút bỏ. Chúng ta có đủ tự tin và dũng cảm để gột rửa họ ». Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo (phiên bản tiếng Trung) đe dọa : « Nếu những kẻ nổi loạn Hồng Kông không hiểu được thông điệp về việc cảnh sát vũ trang nhân dân tập hợp ở Thâm Quyến liệu, thì đúng là họ muốn hủy diệt ».

Trung Quốc có biến những đe dọa đó thành hành động không ? Liệu Bắc Kinh quyết tâm « dọn sạch » Hồng Kông trước kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa 01/10/2019 ? Phát biểu ngày 13/08, đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cảnh báo : « Bạo lực, dù là được sử dụng hay được khuyến khích, sẽ đẩy Hồng Kông vào con đường không thể thối lui ». Tuy nhiên, cảnh sát càng trấn áp, người biểu tình càng chống đối bằng mọi cách. Hồng Kông có lẽ sẽ vẫn là cái vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát.

Nguồn: RFI

Bài Khác