Bắc Hàn học hỏi mô hình ‘đổi mới’ của Việt Nam

Ngoại trưởng Bắc Hàn sẽ thăm đặc khu và học hỏi mô hình ‘đổi mới’ của Việt Nam

 

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York tháng 9 vừa qua. Ông Ri sẽ tới Hà Nội để tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế mà Việt Nam áp dụng từ năm 1986.

 

Người đứng đầu bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho sẽ tới Hà Nội ngày 29/11 để tìm hiểu mô hình kinh tế thành công của Việt Nam, được thực hiện trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ về chính trị.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Ngoại trưởng Triều Tiên sẽ thăm chính thức Việt Nam 4 ngày theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Theo trang tin Korea Herald của Hàn Quốc, chuyến thăm của ông Ri diễn ra vào thời điểm Triều Tiên đang tìm kiếm các lựa chọn để cải cách kinh tế. Mô hình phát triển của Việt Nam với chương trình ‘đổi mới’ thành công được cho là một hình mẫu cho quốc gia cộng sản trên bán đảo Triều Tiên noi theo.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Ri nói với chính phủ Việt Nam rằng ông muốn học tập những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế của quốc gia Đông Nam Á trong chuyến thăm này.

Triều Tiên vẫn chú ý tới mô hình ‘đổi mới’ của Việt Nam và muốn áp dụng cho công cuộc cải cách kinh tế của mình vì cho rằng Việt Nam đã chứng tỏ là có thể vừa duy trì mô hình xã hội chủ nghĩa trong khi mở cửa thị trường và thu hút được nhiều vốn đầu tư của nước ngoài kể từ năm 1986.

Mặc dù hai chính phủ chưa đưa ra lịch trình cụ thể của chuyến thăm của ông Ri nhưng theo truyền thông quốc tế, nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên sẽ tới thăm các khu kinh tế đặc biệt của Việt Nam, nơi đang áp dụng những biện pháp ưu đãi thuế và có những cơ chế riêng để thu hút đầu tư nước ngoài. Các đặc khu này được chính phủ Việt Nam xem là nguồn phát triển kinh tế quan trọng trong tương lai.

Việc Việt Nam muốn cho thuê đất tại các đặc khu tới 99 năm đã gây ra tranh cãi hồi gần đây và làm dấy lên những cuộc biểu tình trên khắp nước và cả ở hải ngoại.

Được biết, Triều Tiên đã thành lập 20 đặc khu trong những thập niên gần đây nhưng lại gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, theo Korea Herald.

Sau ba thập kỷ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã thành lập được 18 khu kinh tế ven biển với 325 khu công nghiệp được nhà nước hậu thuẫn trên toàn quốc.

Hong Minh, một thành viên của Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc, nói với tờ Korean Herald rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Ri tới Việt Nam là một động thái của Triều Tiên nhằm thắt chặt thêm quan hệ với các nước cùng theo chủ nghĩa xã hội trong khi Bình Nhưỡng đang bị cô lập về mặt ngoại giao. Trước đây trong tháng, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã tới thăm Bình Nhưỡng. Cũng trong chuyến thăm đó, người đứng đầu Cuba, một quốc gia Cộng sản anh em khác, đã tới Việt Nam và được Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp đón.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói với tờ Financial Times rằng bà hy vọng là trong chuyến thăm của Ngoại Trưởng Ri, “phía Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm” với Triều Tiên trong nỗ lực đạt được những “mục tiêu phát triển bền vững”.

Nguồn: VOA

Bài Khác